Cấm CSGT tuần tra mang ĐTDĐ: Nên không?

Khi tuần tra, kiểm soát, nếu CSGT tại Hậu Giang mang điện thoại di động, dù sử dụng hay không vẫn sẽ bị xem xét kiểm điểm, kỷ luật.

Mới đây, Công an tỉnh Hậu Giang ra quy định, tất cả các CSGT tỉnh Hậu Giang không được sử dụng, không nghe điện thoại di động của bất kỳ cá nhân nào trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông. Đây là biện pháp nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, ý thức của người tham gia giao thông cũng như ngăn chặn tiêu cực của lực lượng trong ngành.

Trao đổi với chúng tôi về quy định này, Thượng tá Võ Chí Thanh (Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Hậu Giang) cho biết, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu cán bộ chiến sĩ nào mang điện thoại di động, dù có sử dụng hay không vẫn sẽ bị xem xét kiểm điểm, kỷ luật.

Ông Thanh cho hay, nếu cán bộ chiến sĩ nào trong lúc làm nhiệm vụ mà gia đình có việc đột xuất, người thân sẽ liên hệ với lãnh đạo Phòng CSGT. Thông qua bộ đàm nội bộ, cơ quan sẽ thông báo cho cán bộ đó biết.

Thượng tá Thanh nhấn mạnh, CSGT chỉ không được sử dụng điện thoại di động trong lúc tuần tra, kiểm soát, chứ không phải là không được sử dụng điện thoại cả ngày. Vì một ngày, nhiều đội thay ca nhau tuần tra, kiểm soát. Không chỉ có một đội.

Cấm CSGT tuần tra mang ĐTDĐ: Nên không? - 1

Khi tuần tra, kiểm soát, CSGT đều được trang bị máy bộ đàm (Ảnh minh họa)

Đại tá Nguyễn Hải Sơn (GĐ Công an tỉnh Hậu Giang) cho biết, quy định lực lượng CSGT tỉnh không sử dụng điện thoại di động khi tuần tra, kiểm soát giao thông đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 10/4 vừa qua.

Để đảm bảo thông tin liên lạc, CSGT được trang bị bộ đàm nội bộ do Công an Hậu Giang trang bị với mạng lưới phủ sóng trên khắp địa bàn tỉnh.

Theo Đại tá Nguyễn Hải Sơn, Ban giám đốc Công an tỉnh và chỉ huy Phòng luôn có biện pháp theo dõi các tổ CSGT đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát về việc thực hiện quy định trên của Công an tỉnh.

Thượng tá Võ Chí Thanh cũng đánh giá, sau hơn 10 ngày thực hiện chỉ đạo của GĐ Công an tỉnh, cán bộ chiến sĩ của Phòng đang thực hiện rất tốt và gặp không mấy khó khăn.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát chỉ đạo này. Nếu có vướng mắc, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo để có phương án điều chỉnh phù hợp." - Thượng tá Thanh nói thêm.

Trước quy định đối với CSGT tỉnh Hậu Giang, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) cho rằng, có thể do trong quá trình kiểm tra, xử lý giao thông, nhiều người hay can thiệp xin xỏ. Công an tỉnh Hậu Giang cấm CSGT nghe điện thoại khi tuần tra kiểm soát chính là ngăn chặn những trường hợp này.

Cấm CSGT tuần tra mang ĐTDĐ: Nên không? - 2

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt)

Theo ông Tuyên, tất nhiên việc mang điện thoại di động còn liên quan nhiều vấn đề, nhiều mục đích sinh hoạt cá nhân. Đâu phải cứ đi làm nhiệm vụ là không được liên lạc với gia đình, bố mẹ anh em bạn bè.

Tướng Tuyên cho rằng, quy định như trên là tùy mỗi địa phương vận dụng. Trong quy định cũng khó đòi hỏi sự cầu toàn. Đôi khi để đạt được cái nọ thì phải mất cái kia.

“Đây là một ý tốt, tuy nhiên cũng chỉ là giải pháp tình thế để ngăn chặn việc can thiệp, xin xỏ.” – Người đứng đầu C67 (Bộ Công an) nói.

Một cán bộ CSGT nhiều năm làm nhiệm vụ kiểm soát trên đường e ngại, quy định này sẽ gây ra không ít khó khăn đối với lực lượng làm nhiệm vụ. Bởi điện thoại di động là phương tiện liên lạc cá nhân. Đời sống sinh hoạt mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có thể là việc đột xuất gia đình, cha mẹ anh em ốm đau, sử dụng điện thoại di động sẽ nhanh chóng, thuận tiện.

Theo cán bộ này, ngăn chặn can thiệp, xin xỏ trong xử lý vi phạm là tốt. Tuy nhiên, thay vì kiểm giám sát việc sử dụng điện thoại di động hay không, cấp trên có thể giám sát luôn việc can thiệp, xin xỏ.

Hơn nữa, lực lượng quốc phòng, an ninh cũng ngày càng phải áp dụng công nghệ thông tin trong công việc. Sử dụng điện thoại di động cũng không nằm ngoài mục đích đó. Mặt khác, trong quy định pháp luật hay điều lệnh của Công an Nhân dân cũng không cấm sử dụng điện thoại di động trong thời gian làm việc.

Cán bộ này cho rằng, chỉ nên cấm CSGT nghe gọi điện thoại khi đang xử lý những vụ việc vi phạm giao thông cụ thể hoặc đang điều tiết hướng dẫn giao thông. Bởi điều đó ảnh hưởng đến tác phong người Công an Nhân dân, tạo hình ảnh phản cảm. Còn suốt thời gian mấy tiếng đồng hồ tuần tra, kiểm soát không được “đụng đến” điện thoại di động, cán bộ này cho rằng “có lẽ không cần thiết”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Sơn - Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN