Cấm chụp ảnh: CSGT không có quyền
“Chỉ những người không tự tin vào nghiệp vụ của mình hoặc có hành vi tiêu cực khi thi hành công vụ mới sợ người khác quay phim, chụp ảnh.”
Mới đây, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt ra văn bản về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT” gửi cho trưởng phòng CSGT các tỉnh.
Trong văn bản có nội dung: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trả lời chúng tôi, Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, Cục CSGT không đủ thẩm quyền, kể cả Bộ Công an cũng không đủ thẩm quyền cấm người dân quay phim chụp ảnh ngoài đường.
Theo Luật sư Dũng, Quyết định 160 từ năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, khu vực cấm quay phim chụp ảnh phải đảm bảo 2 điều kiện. Đó phải là khu vực cụ thể bị cấm theo quy định và phải có biển cấm.
Các khu vực cụ thể bị cấm như là: các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; Các kho dự trữ chiến lược quốc gia;...
Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Vậy, theo vị luật sư, khu vực bị cấm chụp ảnh nhưng không có biển cấm thì cũng được coi như không bị cấm.
Hình ảnh ghi lại cảnh "làm luật" tại một chốt CSGT ở tỉnh Quảng Bình
Quyết định cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Công an xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm tại các đơn vị công an. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm trong phạm vi địa phương mình quản lý theo đề nghị của Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Nên luật sư Dũng cho rằng, ông Bộ trưởng Bộ Công an chỉ có quyền quyết định cắm biển cấm trong các đơn vị trực thuộc của Bộ Công an mà thôi. Ví dụ đó là trụ sở công an phường, trụ sở công an quận. Còn ở trên đường, Bộ trưởng Bộ Công an không có thẩm quyền cấm quay phim chụp ảnh. Thậm chí, mặc định trụ sở công an là khu vực cấm chụp ảnh, nhưng nếu không cắm biển cấm, vẫn được coi là không cấm.
Từ đó có thể thấy, trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thẩm quyền xác định khu vực cấm thuộc về ông chủ tịch UBND. Căn cứ đề nghị của ông giám đốc công an tỉnh, ông chủ tịch tỉnh sẽ ra quyết định khu vực nào đó có cấm quay phim chụp ảnh hay không. Ví dụ, cấm chụp ảnh quay phim tại vườn hoa, cây cảnh, khu vực nhạy cảm, biểu tình... nếu việc đó đe dọa an ninh trật tự. Và tất nhiên vị trí đó phải có biển cấm theo đúng mẫu quy định.
Theo vị luật sư, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt ban hành văn bản với nội dung người quay phim chụp ảnh cảnh tuần tra, xử lý phải xin phép trước khi quay là không đúng thẩm quyền và trái quy định pháp luật. Cụ thể là trái với Quyết định năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.
“Người dân cũng như nhà báo hoàn toàn được quyền quay phim chụp ảnh ngoài đường nếu khu vực đó không có quyết định cấm của chủ tịch UBND tỉnh và không có biển cấm.” - Ông Dũng khẳng định.
Luật sư Dũng cũng cho rằng, tạo điều kiện cho người dân quay phim chụp ảnh đúng theo quyền mà pháp luật không cấm là góp phần phòng chống tiêu cực, nhận hối lộ, nhũng nhiễu người dân. Người dân giơ điện thoại, máy quay phim lên ghi hình ảnh trên đường, cảnh sát không có quyền cản trở, thu máy. Thực tế cho thấy, rất nhiều hình ảnh được đưa lên mạng đã phản ánh được sai phạm của CSGT.
Nếu cán bộ công an làm đúng pháp luật, thì một hay trăm người quay phim chụp ảnh đều không vấn đề gì. Thậm chí điều đó có thể trở thành tấm gương người tốt.
“Chỉ những người không tự tin vào nghiệp vụ của mình hoặc có hành vi tiêu cực khi thi hành công vụ mới sợ người khác quay phim chụp ảnh.” - Luật sư Trịnh Anh Dũng nhận xét.
Hôm nay, trả lời trên một tờ báo, một cán bộ Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng, văn bản chỉ muốn nhấn mạnh CSGT phải đề cao cảnh giác với các đối tượng lăng mạ, chửi bới CSGT rồi cán bộ, chiến sỹ nào không giữ, kìm nén được là quay phim chụp ảnh để đe dọa, tống tiền. Cán bộ này cũng cho hay, văn bản nhằm mục đích xử lý hành vi giả danh nhà báo, chứ không quy định cấm phóng viên, báo chí tác nghiệp. Một số báo đưa tin cho rằng phóng viên, nhà báo muốn quay phim chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ phải xin ý kiến của CSGT là hiểu sai nội dung của văn bản này. Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng trả lời tờ báo này rằng, không ký bất cứ văn bản nào thể hiện cấm báo chí chụp ảnh, quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ. |