Cấm bán rượu bia sau 10h đêm: Người uống cũng phạt
Dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu sau 10h đêm, người uống rượu sau khung giờ này cũng có thể bị phạt.
Bộ Y tế vừa ban hành Dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h có thể bị cấm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Bộ Y tế vừa có đề xuất cấm người bán rượu bia sau 10h đêm, theo đó, những người bán rượu bia sau khoảng thời gian này có thể bị phạt. Vậy, căn cứ vào đâu Bộ Y tế đưa ra đề xuất này, thưa ông?
Phòng chống tác hại thuốc lá và tác hại rượu bia là hai vấn đề quan trọng trong dự thảo phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Đối với rượu bia nếu uống mức độ vừa phải, trong hàm lượng cho phép phù hợp với thể chất con người Việt Nam sẽ tốt cho sức khỏe. Nếu lạm dụng dẫn tới nghiện, gây tác hại lớn đối với sức khỏe người sử dụng
Đặc biệt các bệnh liên quan đến tâm thần, gan, sức khỏe tình dục. Lạm dụng rượu bia có thể gây rối loạn về hành vi, dẫn đến không kiểm soát hành vi, gây bạo lực gia đình, thậm chí đánh nhau dẫn đến chết người.
Sử dụng rượu, bia trong khoảng thời gian từ 22h đến 24h dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh trong hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng. Vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm pháp luật quốc tế và tình hình sử dụng rượu, bia tại Việt Nam nhiều chuyên gia đề xuất quy định không được bán rượu bia sau 22h trong Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia từ 22h đến 24h là không hợp lý, ông nghĩ sao?
Tôi phải đính chính, Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau chứ không phải từ 22h đến 24h.
Vậy tại sao Bộ Y tế lại cấm bán rượu bia sau 22h chứ không phải trước và sau khoảng thời gian đó, thưa ông?
Sở dĩ chúng tôi đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h tại Việt Nam vì đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm bán rượu bia sau 22h. Cụ thể: Theo luật của Lithuania việc mua bán đồ uống có cồn tại các cơ sở phục vụ thương mại và công cộng chỉ được cho phép từ 11h sáng tới 6h sáng ngày hôm sau (việc mua bán bia được cho phép từ 8h sáng). Thuế tăng gấp đôi nếu là cơ sở thương mại thực hiện hoạt động mua bán đồ uống có cồn sau 10 giờ tối, và sau 12h tối đối với cơ sở công cộng.
Thổ Nhĩ Kỳ cấm bán rượu tại siêu thị và các góc của cửa hàng từ 22h đến 6h. Tại Nauy rượu, rượu bia cũng được bán vào những khoảng thời gian nhất định. Thời gian này có thể thay đổi nhưng không muộn hơn 8h tối vào các ngày thường và 6h tối ngày thứ bảy và các ngày lễ. Các cửa hàng, siêu thị không được bán rượu vào chủ nhật, ngày lễ và ngày bầu cử hoặc ngày trưng cầu dân ý và ngày mùng 1 và 17 tháng 5. Ngoài ra, một số bang của Mỹ cũng quy định về thời gian cấm bán rượu,bia, như: Texas.
Ngay cả Việt Nam hiện đã có quy định không được bán rượu trong quán karaoke, vũ trường sau 24 giờ để tránh mất an ninh trật tự.
Có ý kiến cho rằng, các nhà xây dựng luật thường theo tư duy “không quản được thì cấm”. Phải chăng quy định này của Bộ Y tế cũng như vậy?
Hiện nay chưa có quy định xử phạt người bán rượu bia sau 22h. Trên thực tế có rất nhiều quy định, nhưng người dân thực hiện không nghiêm. Dự thảo cấm bán rượu bia sau 22h muốn khả thi còn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người và trách nhiệm công dân.
Bất kể Luật nào đưa ra cũng phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân. Chúng tôi đề xuất thanh tra, kiểm tra thường xuyên, phát hiện sai phạm xử phạt nghiêm, thậm chí rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Như ông nói, người bán rượu bia sau 22h có thể bị cấm và xử phạt. Vậy, người uống rượu bia sau 22h có bị xử phạt không, thưa ông?
Người uống chưa có quy định xử phạt, đây là Luật nội dung, còn khi xây dựng Luật hình thức sẽ có cân nhắc xử phạt người uống rượu bia sau 22h. Tất nhiên, người dân mua về nhà uống không có ai cấm.
Hiện nay Việt Nam đang cấm rất nhiều hoạt động về đêm. Nay lại có thêm lệnh cấm bán rượu bia sau 22h đêm nên khó khả thi. Ông nghĩ sao?
Đây mới là dự thảo lần 1 về luật phòng chống tác hại rượu bia của Bộ Y tế. Luật sẽ còn thay đổi rất nhiều. Để đảm bảo tính khách quan, khả thi, Tổ biên tập phải tổng hợp tất cả những ý kiến, quan điểm, đề xuất. Những nội dung này sẽ được đánh
giá tác động và được hoàn thiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi xin ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chúng tôi sẽ chỉ nghiên cứu, lựa chọn và chỉ trình Chính phủ, Quốc hội những quy định thật sự phù hợp sau khi lấy ý kiến rộng rãi.
Trên thực tế, các cửa hàng bán rượu bia ở khắp các đường phố, ngõ ngách. Vậy, làm sao để kiểm soát những cửa hàng nhỏ lẻ này, thưa ông?
Thanh tra quản lý thị trường, thanh tra y tế, chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt. Nếu Luật làm nghiêm, lập tức người dân sẽ thay đổi.
Kiểm soát có nghị định kinh doanh rượu đã có quy hoach để khống chế. Còn bia, uống 1 lon bia 330 tương đương 1 ly rượu, uống 3 lon bia mới vượt quá giới hạn cho phép.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh, và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Điều tra về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên (14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ từng uống bia, rượu. |