Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Cuộc sống khó khăn nhưng người dân ngụ cư trên ghe bên dòng kênh Tẻ vẫn để dành tiền mua nhành hoa vạn thọ, ít thịt heo ba rọi, khô cá để dành ăn trong 3 ngày Tết và tạo thêm không khí xuân ở xóm ghe nghèo.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 1

Ngày cuối năm không khí Tết tràn về trên khắp các ngõ hẻm của Sài Gòn, chỉ cần bước ra khỏi nhà đã thấy mùa xuân đang về. Hơi thở mùa xuân cũng lan tỏa đến xóm ngụ cư trên ghe bên dòng kênh Tẻ nằm sát đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM). Nơi đây, hơn chục hộ gia đình nghèo ở các tỉnh miền Tây tập trung về sinh sống và lấy ghe thuyền làm nhà ở. Theo những người ngụ cư ở đây thì họ đã chuyển sống trên con nước của dòng Kênh Tẻ gần 20 năm qua.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 2

Chiều cuối năm, ánh sáng le lói hắt qua những tấm bạt trên ghe. Mỗi khi có ca nô, sà lan chạy qua, những “căn nhà” ở xóm cư ngụ lại dập dìu theo con nước. “Gia đình tôi sống ở đây cũng mười mấy năm quen rồi. Ghe thuyền là nhà, sống trên sông nước không khác gì bờ. Lắc lư theo con nước cũng nhiều điều thú vị, ban đêm còn ngủ khỏe nữa vì gió mát”, ông Ba Vui chia sẻ.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 3

Theo ông Vui, ngày cuối năm không khí xuân rộn ràng khắp nơi nên gia đình dù khó khăn nhưng vẫn để dành tiền mua nhành hoa vạn thọ để trên ghe để tạo không khí Tết. “Sáng 30 Tết tôi về quê Bến Tre để lâm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, chiều lên lại Sài Gòn và đón Tết trên ghe này. Cũng cả chục năm tôi đón Tết ở đây. Tết với vợ chồng tôi cũng đơn giản, cuộc sống khó khăn nên chỉ miếng khô cá, dưa kiệu là được rồi”, ông Vui nói.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 4

 Nhìn xung quanh “căn nhà” trên mặt nước của ông Vui đáng giá nhất có lẽ là chiếc ti vi màu, loại cũ ngày xưa, 2 cái quạt, còn xung quanh là những đồ đạc được chất đống, có vẻ bừa bộn vì ghe khá chật. Ông Vui cho biết, hầu hết đồ dùng sinh hoạt trên ghe đều được các nhà hảo tâm cho.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 5

Bà Thiện vợ của ông Vui cho biết ghe đậu vậy chứ đậu có đánh bắt cá, nó chỉ làm chốn ở cho vợ chồng. “Tôi  bán dừa bên bờ kênh, cũng đắp đổi qua ngày cuộc sống của hai vợ chồng nhưng cái nghèo nó cứ đeo đẳng mãi. Hai con lập gia đình và đã lên bờ sống nhưng tụi nhỏ cũng khó khăn nên chưa thể phụ giúp bố mẹ được nhiều”, bà Thiện nói.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 6

 “Tết đối với cô chú cũng như ngày bình thường. Mùng 1 Tết chỉ làm mâm cơm đơn giản với cá khô, dưa kiệu. Ngày Tết tôi muốn đi thăm người thân hay những người quen trên bờ nhưng cũng không dám. Mình nghèo nên biết phận mình, đến chơi sợ họ lại nói nhờ vả nên thôi. Tết quanh quẩn trên ghe cũng buồn lắm...”, bà Thiện chia sẻ.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 7

Sống cạnh “nhà” của vợ chồng ông Vui còn có gia đình anh Úc. Những ngày cuối năm anh so với những gia đình ngụ cư khác thì gia đình anh Úc có chuẩn bị không khí Tết hơn. Anh Úc đi mua nước sinh hoạt dự trữ và lo sạc điện bình ắc quy để thắp sáng trong những ngày Tết.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 8

Theo anh Úc, để chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất, gia đình chỉ mua ít thịt ba rọi kho làm mâm cơm cúng trên ghe. “Việc chuẩn bị Tết thì phải đến 30 Tết vợ tôi mới đi mua vì trước đó bà xã vẫn còn nấu khoai lang để bán kiếm tiền. Tôi thì phải lo chuẩn bị nước, bình sạc điện, đèn dầu,... để “ngôi nhà” luôn sáng đèn trong những ngày Tết”, anh Úc chia sẻ.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 9

Trên mỗi chiếc ghe đều nuôi chó để “giữ nhà”. “Nuôi chó vậy chứ vui. Nó sủa khi phát hiện người lạ và có con vật này trên ghe mình cũng thấy an tâm lắm”, thanh niên ở xóm ngụ cư nói.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 10

 Những phút nghỉ giải lao của những người dân ở xóm ngụ cư trên dòng Kênh Tẻ

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 11

Những hộ dân ở đây buôn bán các mặt hàng như chuối, khoai lang luộc, dừa…để kiếm đồng lời trang trải cuộc sống qua ngày. “Cũng muốn lên bờ sống lắm chứ nhưng phải thuê phòng trọ giá 1-2 triệu bạc nên không dám. Với lại lên bờ thì biết mần ăn cái gì nên đành phải bám trụ trên dòng kênh này”, người phụ nữ tên Trang có thâm niên trên chục năm sống trên ghe cho biết.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 12

 Khô cá người dân ở xóm ngụ cư chuẩn bị để dành ăn trong dịp Tết. Ngoài khô cá, nhiều hộ dân ở đây cho biết sẽ mua hoa cúc, hoa vạn thọ về trưng trên ghe trong những ngày Tết để có không khí xuân.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 13

 Bữa cơm tối cũng là thời gian sum họp, quây quần của gia đình của những người dân ở xóm ngụ cư. Nơi đây, hơn chục hộ dân bám trụ sống gần 20 năm qua và đã có “thâm niên” nhiều năm đón Tết trên ghe.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 14

 Người dân ở xóm ngụ cư cũng muốn lên bờ sinh sống nhưng cho rằng tiền thuê nhà trọ đắt đỏ nên họ sống tạm trên ghe để lo các con được ăn học đàng hoàng. Nhiều em nhỏ ở đây đang theo học các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

Cái Tết của những mảnh đời lênh đênh trên con nước giữa trung tâm Sài Gòn - 15

Dòng người trên phố tấp nập, ai cũng hối hả nhanh chân để về với gia đình và người dân ở xóm ngụ cư cũng tất bật với những công việc thường ngày, để đón năm mới với hy vọng một năm làm ăn sung túc, gia đình bình an.

Nữ công nhân 20 năm mới về quê đón Tết

20 năm kể từ khi vào TP.HCM làm công nhân, Tết này chị Quế mới được về ăn Tết với gia đình ở Hà Tĩnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN