Cái Tết ấm cúng của cha con "người rừng"

Sau gần 40 năm sống trong rừng sâu, xuân Giáp Ngọ năm nay, cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang, ở xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đã chính thức về đón Tết với dân làng.

Đón khách trong nhà mới

Ngày Tết, chúng tôi đến nhà của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. Tết của cha con “người rừng” cũng giống như bao gia đình khác. Hôm nay, hàng chục người dân trong làng Trà Nga, xã Trà Phong đã đến nhà của cha con “người rừng” thăm hỏi, chúc mừng năm mới theo tục lệ Tết Việt. Khách đến chơi nhà, “người rừng” Thanh ngồi dưới nền gạch ở phòng khách liên tục bắt tay khách thể hiện sự mừng vui khi khách ghé thăm nhà.

Cái Tết ấm cúng của cha con "người rừng" - 1

Cha con “người rừng” bắt tay khách đến thăm Tết

“Người rừng” Lang luôn nhoẻn miệng cười, bắt tay hết người này đến người khác rồi vội vã đi xuống nhà bếp rót nước, dọn bánh đãi khách ngày xuân. Ngôi nhà mới trong làng của cha con “người rừng” rôm rả tiếng cười vui. “Người rừng” Lang lấy ra hai đòn bánh tét rồi cùng em trai của mình là Hồ Văn Tri cắt bánh trưng bày ra đĩa mời khách. Nhìn Lang thành thạo động tác cắt bánh tét, không ai nghĩ Lang từng là “người rừng” và lần đầu tiên trong đời được đón Tết cổ truyền.

Từ lúc mới 2 tuổi, trong những năm tháng chiến tranh đạn lạc, Lang đã theo cha vượt rừng vào tận trong rừng sâu, biệt lập với cuộc sống xóm làng rồi trở thành “người rừng”. 5 tháng trước đây, cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang chẳng khác người nguyên thủy. Họ mặc khố và sống trên cây. Họ tự đục đẽo từng dụng cụ lao động để kiếm cái ăn. Cứ như vậy, cha con “người rừng” đã cùng nương tựa nhau, trải qua những ngày rét lạnh, trải qua bao khó khăn thiếu thốn để sống đến khi được đưa ra khỏi rừng sâu.

Cái Tết ấm cúng của cha con "người rừng" - 2

“Người rừng” Lang cùng em trai cắt bánh tét mời khách

Hôm nay, cuộc sống của cha con “người rừng” đã tốt lên rất nhiều. Họ đã biết thế nào là ngày Tết. Cha con “người rừng” đón khách trong ngôi nhà mới khang trang giữa làng, dần quên đi cuộc sống trong túp lều lá.

Lang tự tay cắt rồi vừa cười vừa chỉ vào đĩa bánh tỏ ý mời khách ăn bánh. Mọi người cùng ăn rồi cười tươi. Già làng Hồ Văn Ban thay mặt bà con trong làng nắm chặt lấy tay “người rừng” Thanh nói: “Hôm nay bà con trong làng đến nhà Thanh chúc Tết. Năm mới chúc cho Thanh, chúc cho Lang mạnh khỏe. Từ Tết này thì cha con Thanh luôn ở với bà con trong làng để năm sau và năm sau nữa sẽ đón Tết vui hơn nữa. Cha con Thanh đừng có đi rừng nữa”. Nghe già Ban chúc Tết, ánh mắt của cha con "người rừng" ánh lên niềm vui. Cả người già và người trẻ nói với cha con Lang: “Oh ay tuq hlơ xa tet” (Chúc mừng năm mới). Trong lúc vui, Lang cũng đáp lại câu nói y hệt: “Oh ay tuq hlơ xa tet”.

Cái Tết ấm cúng của cha con "người rừng" - 3

“Người rừng” Lang lo đun củi hâm nóng bánh tét

“Người rừng” đi chúc Tết

Sau khi tiễn khách ra về, cha con “người rừng” sửa soạn quần áo rồi cùng trẻ con trong làng đến thăm, chúc Tết bà con lối xóm. Gần chục đứa trẻ trong làng nắm lấy tay già Thanh, cùng Lang dắt đi chúc Tết. Khi hai cha con “người rừng” vừa đặt chân đến nhà của anh Hồ Văn Tâm thì Lang liền chủ động bắt chặt tay chủ nhà và nói câu chúc Tết bằng tiếng Kinh: “Chúc mừng năm mới vui vẻ”. Nói đoạn, Lang cười rồi đưa tay dẫn cha vào ghế ngồi. Chủ nhà dọn đĩa bánh, kẹo ra mời cha con “người rừng”.

Hết thăm Tết nhà này, cha con “người rừng” lại ghé thăm nhà khác. “Người rừng” Thanh vẫn còn ít nói và ít giao tiếp với mọi người xung quanh. Đôi lúc, ông ngồi tựa cửa đăm chiêu như đang nhớ về rừng xanh, nhớ về túp lều lá trên cây -  nơi mà cha con ông đã sống và gắn bó hơn nửa đời người. Còn “người rừng” Lang thì như rất thích sống ở làng. Khi hỏi có thích vào lại rừng sống không thì Lang nói: “Pe trot man mơq gok” (Không thích ở rừng nữa). Lang nói rằng, ở trong rừng buồn lắm, bây giờ chỉ vô thăm nhà, thăm rẫy trong rừng rồi về lại nhà mới ở làng thôi. Những ngày trước Tết, Lang và em trai của mình là Hồ Văn Tri đã mang gùi vào tận trong rừng nơi cha con của Lang từng sống để hái trầu, đốn chuối mang về lo Tết.

Cái Tết ấm cúng của cha con "người rừng" - 4

Cha con “người rừng” đi thăm Tết nhà hàng xóm

Đưa cha về lại nhà sau khi đã chúc Tết bà con láng giềng, “người rừng” Lang liền mang củi ra trước nhà nhóm bếp rồi đem nồi bánh tét ra hâm nóng lại. Lang lật từng đón bánh tét mà miệng luôn cười tươi. Ấy là lúc “người rừng” Lang đã biết thế nào là hương vị Tết nơi buôn làng.

Sống cùng với dân làng, được ăn bánh Tết, được bà con chuyện trò, cha con “người rừng” dường như đã dần quên đi những ngày tháng sống trong rừng sâu trong suốt 40 mùa xuân đi qua. Gia đình, con, cháu và tình làng nghĩa xóm đã níu giữ được đôi chân của cha con từng được gọi là “người rừng” này. Và họ đã hòa nhập với cuộc sống mới ở buôn làng. Một cuộc sống mới đã chính thức bắt đầu, yên ấm hơn, tươi đẹp hơn với cha con "người rừng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hoàng Uyên ([Tên nguồn])
"Người rừng" ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN