“Cãi mệnh trời” để hoa mai… không rụng ngày Tết
Mấy trận mưa trái mùa vừa qua đã làm cho một số vườn mai nở sớm và rụng trước Tết Nguyên đán khá xa. Tuy nhiên, một nông dân miệt vườn miền Tây lại có “bí kíp” giữ cho hoa mai không rụng.
Đó là lão nông Phạm Văn Hiếu (Năm Hiếu) ở làng hoa Bà Bộ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Hoa mai nở nửa tháng chưa rụng
Từ năm 1995, ông Năm Hiếu nổi tiếng khắp nơi khi làm thay đổi quy luật của tạo hoá để giữ hoa xuân tươi mãi. Ông Năm Hiếu có thể giữ cho hoa mai không rụng từ 10 - 15 ngày. Trong những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014, tôi tìm đến nhà ông Năm Hiếu - nơi giới hoa cảnh gắn cho cái tên “Mai gia trang”.
Men theo con đường xi măng cặp rạch Bà Bộ, tôi đến ấp Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thuỷ, tìm gặp ông Năm Hiếu. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là hàng rào phát tài cao vút, thẳng tắp. “Mai gia trang” rợp một màu xanh mát mắt, chen vào đó là những cánh mai vàng nở sớm rung rinh trước gió, bước qua khỏi cổng là gặp mai. Ông Năm Hiếu vừa dẫn tôi vào nhà vừa nói, tôi không trồng mai vào chậu, cứ “thả” khắp vườn cho nó “thở” với trời với đất.
Con đường mòn dài chừng 100 mét, được lát bằng những phiến đá xanh vuông vức và ngôi nhà tường cũng mang màu xanh của lá nằm lọt thỏm giữa những cây hồng xiêm um tùm. Một phong cảnh nên thơ đang hiện ra trước mắt tôi. Ở vùng ven chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 5 km lại có khu vườn đầy nguyên sơ. Chủ nhân của khu gia trang, một lão nông dáng người nhỏ nhắn có niềm yêu hoa cảnh mãnh liệt. Hơn 40 năm, gắn bó với những gốc mai, vun xới, chăm sóc, khiến “Nàng mai” luôn rực rỡ.
Ông Năm Hiếu đang chăm sóc mai để phục vụ Tết
Tôi biết ở cái tuổi trên lục tuần, tìm nơi yên tĩnh để “ẩn cư” là chuyện không lạ. Nhưng lạ vì ông Năm Hiếu “ẩn cư” để chuyên tâm cho nghệ thuật; giữ những nét hoang sơ cho mai vàng ngày tết mang tin lành đến mọi nhà. Hiện nay, “Mai gia trang” có gần 5.000 gốc mai. Hằng năm, cách Tết Nguyên đán chừng 2 tháng, ông Năm Hiếu phun một đợt hóa chất kích thích mai ngậm nụ. Rồi khi búp bằng đầu đũa, phun tiếp đợt 2 để mai nở đồng loạt và những cánh mai vàng óng, xòe ra “ngạo nghễ” thách thức từng cơn gió chướng.
Ở Cần Thơ, gia đình ông Năm Hiếu đã 3 đời sống bên những gốc mai, tuy mai không thể hiện giá trị kinh tế, nhưng giá trị tinh thần rất lớn trong Tết Nguyên đán truyền thống, nhất là đối với người Nam bộ. “Những năm của thập kỷ 70 thế kỷ trước, ở đây chưa có ai mang mai nhánh ra chợ bán tết, nên tôi đánh bạo đem bán thử ở chợ Ninh Kiều. Lúc đó, tôi chưa biết cách xử lý mai nở không rụng như bây giờ, mà dựa vào kỹ thuật cắt cành, nhưng cũng chỉ giữ cánh mai được 3 ngày...”, ông Hiếu kể.
“Bí kíp” mai nở lâu rụng do ông Hiếu sáng chế
Nói chung hầu hết người chưng mai trong ngày Tết rất tin vào “vận mệnh, phong thủy” nên ai cũng muốn hoa mai chỉ tàn sau khi hạ nêu. Từ những nguyên nhân này đã thôi thúc ông nghiên cứu thang thuốc “bí truyền” để mai tàn sau ngày hạ nêu. Và người nông dân chân đất ấy đã trở thành “nhà khoa học” trong 4 năm trời bỏ công ra tìm và “thử” các hợp chất. Ông đến mua nguyên liệu của Khoa Nông nghiệp - ĐH Cần Thơ và cũng làm chết cả trăm gốc mai, thành công mới đến. “Bí kíp” để mai nở không rụng của ông Hiếu chẳng mấy phức tạp, chỉ bao gồm Auxin; các nguyên tố đa, vi lượng… Cứ 10 gram thuốc pha với 5 lít nước rồi phun một lần duy nhất lên toàn bộ cây mai có hoa nở từ 5 - 10% số nụ đang có trên cây. Dù là mai trồng trong chậu hay ngoài vườn đều xử lý phun thuốc giống nhau và cho kết quả trong khoảng 10-15 ngày hoa không rụng.
Ngày đầu tiên đi bán mai ở chợ Tết của ông mang nhãn hiệu “Vườn mai năm Hiếu” – với dòng chữ “đặc biệt mai nở không rụng” kể cũng lạ. Bởi người mua đều lắc đầu, phán: “mai giả”. Tức mình, ông Hiếu cầm nhánh mai quơ mấy vòng chứng minh. Và nhiều khách hàng tò mò muốn xem thực hư thế nào, nhưng khi “thẩm định” biết mai thật... họ cười trừ rồi chụp cùng ông vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Thời gian đó cách nay gần 20 năm.
Thương hiệu “Mai không rụng”
Được sự khích lệ của các giảng viên của ĐH Cần Thơ, ông Hiếu mang sản phẩm mai không rụng trưng bày ở Hội chợ nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ năm 1995 và nhận ngay Bằng khen của Ban tổ chức về sản phẩm “Mai không rụng”. Năm 1997, ông “ẵm” luôn giải Bông lúa vàng về “Kỹ thuật xử lý mai nở không rụng”.
Và từ đó, tiếng tăm ông Năm Hiếu nổi khắp vùng, một ông lão dám “cãi mệnh trời”. Ông cho biết: “Mai không rụng, không phải là vì giống mai mà vì tôi đã áp dụng xử lý các hợp chất dinh dưỡng. Lúc tôi đạt giải Bông lúa vàng khó khăn lắm, nhưng bù lại mình đã chứng minh nông dân cũng có thể làm khoa học”. Chẳng những hoa mai không rụng mà còn đậu luôn trên đó từ 10-15 ngày và héo trên đài hoa. Rồi việc vặt lá mai vốn là chuyện rất ngán ngẩm của những người trồng mai, nhưng điều lạ là ông Hiếu không vặt lá mà phun thuốc; sau 3 ngày lá mai rụng sạch. Ông còn phun hoá chất diệt nấm và côn trùng bám trên cây để bảo vệ mầm hoa.
Tiếng lành đồn xa. Năm 1997, một “đại gia” trồng mai ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh đã tìm đến ông ngã giá mua “bí kíp” xử lý mai không rụng với giá 20 triệu đồng, nhưng ông lắc đầu không bán mà lên thẳng TP.Hồ Chí Minh mua lại các vườn mai ở Thủ Đức, quận 12 rồi đợi đến cận tết mới xử lý thuốc không cho rụng và mang bán tại Công viên Hoàng Văn Thụ, Công viên Tao Đàn.
Hàng loạt chủ vườn mai, những nghệ nhân chơi mai mời ông về xử lý giúp để hoa mai có thể “trụ lâu” trong khoảng thời gian từ 10 ngày đến nửa tháng mà không hề rụng một bông nào. Khách hàng hiện nay của ông Hiếu đến từ các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Ông Hiếu, tâm niệm: “Những cánh hoa mai như xuân sắc của thiếu nữ, giữ những nét xuân chính là giữ nét đẹp của tạo hóa”. Ông chủ “Mai gia trang” chỉ bán khi hoa mai đạt tiêu chuẩn và chỉ bán đủ trả công cho người vun trồng suốt năm. Chúng tôi nhớ mãi một ông lão đã dám “cãi mệnh trời” và nhớ mãi cái lắc đầu của ông: Không bán bản quyền. Và tôi cũng chờ đợi vào buổi chợ tết sẽ được ngắm mai vàng khoe sắc, trong đó có những cánh mai không rụng của lão nông Năm Hiếu.