Cái chết của “Thái hậu Dương Vân Nga"
Tối ngày 26/11/1978, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (của tác giả kịch bản Trúc Đường, đạo diễn Ca Lê Hồng) lần đầu tiên công diễn tại rạp Cao Đông Hưng ở quận Bình Thạnh. Đêm đầu tiên vở diễn đã thành công ngoài mong đợi. Khán giả đến xem chật kín, nhiều đợt vỗ tay vang dội.
Thế nhưng chỉ sau 30 phút kết thúc, tấm màn sân khấu khép lại thì diễn viên nổi tiếng đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga, nghệ sĩ Thanh Nga và chồng bị bắn chết trước cửa nhà khi xe chở 2 vợ chồng nghệ sĩ và con trai Cúc Cu chạy vào cổng, chưa kịp mở cửa nhà bước vào…
Theo các nhân chứng và kết quả điều tra sau này, nữ nghệ sĩ bị bắn vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 26/11/1978!
Hồi ấy chưa có nhiều phương tiện thuận lợi như hiện nay nên mọi người đưa Thanh Nga và chồng nghệ sĩ là ông Phạm Duy Lân lên xích lô vào bệnh viện. Chưa tới nơi, nữ nghệ sĩ đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi ở cái tuổi 36 tài năng đang rực rỡ. Ông Phạm Duy Lân đã chết trước đó.
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh tư liệu
Cái chết của nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã gây chấn động khắp Sài Gòn và lan rộng khắp cả nước. Nhiều người không tin đó là sự thật. Nhiều người khác hay tin, đứng trên hè phố chết lặng. Bà con lao động TP và các tỉnh Nam Bộ vốn yêu mến cải lương đã khóc hết nước mắt, nguyền rủa kẻ ác đã nhẫn tâm sát hại Thanh Nga và chồng.
Đài BBC, hãng thông tấn Reuter quan tâm đặc biệt đến sự kiện chấn động này, đã phát những bản tin dài bất thường và đặt câu hỏi thế lực nào đứng sau vụ sát hại dã man như thế.
Đây là thời điểm sân khấu cải lương đang cực thịnh, nữ nghệ sĩ Thanh Nga đang là ngôi sao sáng chói trên sân khấu cải lương TP.HCM và cả nước.
Đám tang vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga diễn ra trong xót thương, tiếc nuối và nước mắt của người dân TP. Hàng trăm ngàn người chen lấn đến tiễn đưa người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn cùng người chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ không sinh cùng năm nhưng chết cùng ngày, cùng giờ.
Trong niềm đau thương vô hạn, soạn giả cải lương Nguyễn Phương, từng là thầy dạy hát cho nghệ sĩ Thanh Nga thuở mới vào nghề, viết: “Mạng sống của con người thì ai cũng phải trân trọng, bởi lẽ người ta chỉ sinh ra một lần và chết đi cũng chỉ một lần. Nhưng cái chết của mỗi con người chỉ là tổn thất của từng gia đình hay trong một phạm vi nhỏ hẹp.
Còn sinh mạng bị cướp đi của Thanh Nga là một tổn thất không gì bù đắp nổi cho sân khấu cải lương và là niềm đau của hàng triệu người. Dù tội ác có được trừng trị, nhưng có lẽ thêm ngàn lần trừng trị nữa cũng không tương xứng với tổn thất mà tội ác đã gây ra!”.
Và cũng cần nói thêm, trước khi bị sát hại, vào tháng 3/1978, khi đang diễn vở “Tiếng trống Mê Linh” trên sân khấu, một quả lựu đạn ném lên nổ tung khiến 2 nhạc công chết tại chỗ, Thanh Nga bị thương. Sau đó, hàng loạt thư nặc danh hăm dọa gửi đến nhà Thanh Nga cảnh cáo không được tiếp tục diễn nữa, nếu trái lời sẽ bị giết. Thanh Nga vẫn không chùn bước. Sau khi vết thương chữa lành, chị tiếp tục ra sân khấu.
Chuyên án TN.11
Bí thư thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: “Cái chết của Thanh Nga đã gây xúc động mạnh đối với giới văn nghệ sĩ cũng như đồng bào, nhất là trong bối cảnh chính trị đang diễn biến phức tạp. Ngành công an phải tập trung lực lượng để phát hiện ra kẻ phạm tội nhằm trừng trị đúng quy định pháp luật, càng sớm càng tốt”.
Hai chó nghiệp vụ đưa từ Hà Nội vào TP.HCM hỗ trợ điều tra. Ảnh chụp qua phim tư liệu Chuyên án TN.11
Ngay sau đó, Công an TP đã thành lập chuyên án mang bí số TN.11 về vụ sát hại nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Những lực lượng tinh nhuệ nhất được tung vào cuộc. Dĩ nhiên, không thể thiếu các trinh sát SBC thiện chiến.
“TN.11” cũng là tên của bộ phim tài liệu quý giá tường thuật lại vụ án do xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu và xưởng phim Tổng hợp phối hợp thực hiện. Nội dung bộ phim đã thuật lại toàn bộ diễn biến sau những phát súng oan nghiệt của 2 kẻ sát nhân và quá trình điều tra phá án cho tới khi hung thủ bị bắt. Đó là 139 ngày đêm khám phá gian khổ. Nhiều lúc bị rơi vào ngõ cụt, tưởng chừng bế tắc.
Nhân chứng quan trọng nhất và đầu tiên là võ sĩ Nguyễn Văn Các, người bảo vệ cho Thanh Nga và gia đình nghệ sĩ. Các có mặt trong chiếc xe Volkswagen mang biển số 51A – 73 – 79 đưa vợ chồng Thanh Nga và con trai là bé Cúc Cu từ rạp hát về nhà. Lời khai của Các như sau: “Xe chở gia đình cô Thanh Nga đi biểu diễn về, vừa vào cổng, tôi xuống trước mở cổng cho xe vào gara.
Xe chạy vào, tôi chuẩn bị mở cửa xe cho cô cậu Ba (ông Phạm Duy Lân) xuống thì nghe một tiếng “soạt”, có 2 người xuất hiện, chĩa súng vào gáy tôi và đè tôi xuống. Tôi nghe có tiếng giành giựt gì đó, rồi một phát súng nổ. Sau đó cũng có tiếng giành giựt nữa. Và lại thêm phát súng nổ. Rồi có tiếng nói : “Thôi bỏ đi mày”. Tôi đứng dậy, thấy 2 người, một thấp, một cao lên xe hon đa chạy ra hướng ngược đường Ngô Tùng Châu”.
Nhân chứng thứ hai là cháu Lương Thị Thu, ở nhà đối diện khai: “Khoảng 23 giờ đêm 26/11/1978, cháu đang học bài bên cửa sổ thì nghe tiếng xe cô Ba về. Một chút thì nghe súng nổ. Phía bên cô Thanh Nga ngồi là một người đàn ông thấp. Và một tiếng súng nổ nữa. 2 người đàn ông đi thụt lùi ra rồi phóng lên xe chạy về hướng Sài Gòn”.
Ngoài ra, một nhân chứng là người trong cuộc, bé Cúc Cu, con trai của vợ chồng nữ nghệ sĩ. Tuy nhiên, lúc này bé Cúc Cu mới 5 tuổi! Bé Cúc Cu bị chấn động tâm lý sau giây phút kinh hoàng đêm ấy, chứng kiến cùng lúc cả ba và mẹ bị bắn chết.
Tại hiện trường, công an thu được 2 đầu đạn P.38 và một chiếc mũ của hung thủ bỏ lại.
Vậy 2 gã đàn ông giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga là ai? Tìm câu trả lời cho câu hỏi lúc này chẳng khác gì mò kim đáy bể.
Thủ phạm xuất hiện tại đám tang?
Một nguồn tin quý hơn vàng, trong dòng người viếng nghệ sĩ, có mặt hung thủ ngay từ ngày đầu đã lo chụp ảnh. Bé Cúc Cu thấy người này đang chụp ảnh, la lớn lên: “Chú này xạo quá, bắn ba má cháu mà nay còn đến chụp ảnh nữa!” và chạy lên lầu… trốn!
Di ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh tư liệu
Lập tức, nhân chứng đầu tiên Nguyễn Văn Các được cho nghe đĩa ghi âm giọng nói của nhà nhiếp ảnh. Nghe xong anh Các cho biết giọng rất giống với giọng hung thủ nói “thôi bỏ đi mày” trong đêm xảy ra án mạng.
Chó nghiệp vụ xác nhận thêm, nguồn hơi của chiếc mũ và nguồn hơi nhà nhiếp ảnh là một!
Bản thân nhà nhiếp ảnh cũng có biểu hiện “lúng túng” trong lời khai ban đầu về thời gian ở đâu trong đêm xảy ra án mạng.
Để khẳng định chắc chắn, cơ quan điều tra đã điều 2 chú chó nghiệp vụ có nhiều kinh nghiệm phá án từ Hà Nội đi bằng máy bay vào. 2 chú chó này khẳng định ngược lại, nguồn hơi từ chiếc mũ không phải là nguồn hơi của nhà nhiếp ảnh.
Đến tình thế “chết người” này nhà nhiếp ảnh mới khai thật, rằng đêm hôm ấy anh đến nhà… bạn gái ngủ nên ngại nói. Xác minh thì đúng thật, nhà nhiếp ảnh bỏ nhà đi ngủ với bạn gái vào đêm xảy ra án mạng.
Lúc này, mới phát hiện ra vì sao bé Cúc Cu lại bảo nhà nhiếp ảnh là người bắn ba mẹ cháu. Hóa ra vì Cúc Cu thấy ánh sáng của chiếc đèn plash của máy ảnh lóe lên giống ánh sáng đầu súng của hung thủ lúc bắn ba và mẹ cháu!
Nhà nhiếp ảnh được giải oan nhưng vụ án rơi vào bế tắc! Vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Thanh Nga là Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa năm 1954, lúc mới 12 tuổi. Năm 16 tuổi, Thanh Nga bắt đầu nổi tiếng trong vở Sơn Nữ Phà Ca của tác giả Kiên Giang và Quy Sắc. Ngoài ra, nghệ sĩ Thanh Nga còn thành công trong nhiều vở cải lương và phim trước năm 1975. Những bộ phim nổi tiếng có sự tham gia của Thanh Nga là “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Loan mắt nhung”. Bé Cúc Cu, nay là nghệ sĩ hài Hà Linh cũng khá nổi tiếng. Anh còn là MC một số chương trình của Đài truyền hình TP.HCM. |
(Còn nữa)