Cách xử lý khi ô tô xảy ra cháy nổ
Để cung cấp cho lái xe một số kiến thức về cách xử lý khi ô tô bị cháy nổ, PV đã tham vấn ý kiến của Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Hôm nay (6.1) Thông tư số 57/2015/TT-BCA Hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là thông tư 57/2015) sẽ chính thức có hiệu lực.
Khi xảy ra hỏa hoạn, lái xe cần tắt khóa điện, hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy và gọi 114.
Theo danh mục và định mức quy định tại thông tư 57/2015, bắt đầu từ hôm nay (6.1), ô tô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg…
Theo ghi nhận của PV, trước ngày thông tư 57/2015 có hiệu lực, ngày 5.1, nhiều chủ phương tiện đã tìm tới các cửa hàng bán thiết bị PCCC để trang bị cho phương tiện của mình. Dù vậy, nhiều tài xế vẫn chưa biết cách sử dụng thiết bị PCCC như thế nào là tốt nhất khi xảy ra sự cố. Quan trọng hơn nữa là cách PCCC cho phương tiện.
Để cung cấp cho tài xế kiến thức cơ bản về cách phòng cháy, chữa cháy cho ô tô, PV đã tham vấn ý kiến của Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH).
PV: Thưa Đại tá, ông có thể cho biết, chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cần phải làm gì để phòng tránh nổ cháy cho xe ô tô?
Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Để phòng chống cháy nổ cho xe ô tô, lái xe cần chú ý không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải về điện. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng.
Lái xe cũng cần chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường. Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, trong khoang động cơ.
Ngoài ra, chủ phương tiện cần trang bị đầy bình chữa cháy phù hợp theo quy định tại Thông tư số 57/2015 để phòng trường hợp khi xảy ra cháy nổ có thể xử lý kịp thời, tránh thiệt hại lớn.
Phụ lục 1 quy định Danh mục và định mức trang bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Vậy trong trường hợp ô tô xảy ra sự cố cháy nổ, lái xe nên làm gì thưa Đại tá?
- Khi phát hiện thấy có ngọn lửa, khói hoặc nhiệt độ bất thường, điều đầu tiên lái xe cần lưu ý là bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nhiều người, nhiều chất dễ cháy.
Trong trường hợp trên xe có người thì chủ phương tiện phải thông báo cho mọi người nhanh chóng thoát khỏi xe theo các cửa ra vị trí an toàn. Nếu cửa xe đã bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa xe.
Người dân nên đặt bình cứu hỏa ở cánh cửa (gần ghế trước) thuận tiện cho việc chữa cháy
Về việc chữa cháy, tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp, có thể xử lý theo quy trình sau:
Trước tiên lái xe cần tắt khóa điện. Bước thứ hai, hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC và CNCH số điện thoại là 114.
Nếu nhiên liệu đã trào ra ngoài (ngọn lửa cháy dữ dội) thì phải sử dụng các bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa.
Lái xe cần lưu ý, do xe ô tô có rất nhiều ngóc ngách nên việc sử dụng chăn, bao tải để phủ kín là rất khó, vì vậy khi chữa cháy cần chú ý phun chất chữa cháy vào các ngóc ngách để dập lửa.
Khi ngọn lửa đã tắt cần phải tiếp tục phun chất chữa cháy và có biện pháp làm mát các bộ phận của xe để đề phòng cháy lại.
Đối với ô tô nếu phát hiện khói, lửa trong nắp ca pô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước mở nắp ca pô để xử lý. Tuy nhiên, lái xe cần hết sức thận trọng khi mở nắp ca pô. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa.
Trong trường hợp xét thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn.
Xin cảm ơn Đại tá.
Không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị phạt ít nhất 300 nghìn Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ – CP, các phương tiện giao thông cơ giới không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng theo quy định tại Thông tư 57/2015/TT-BCA thì bị phạt tiền từ 300 – 500 nghìn đồng; Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Đặt bình cứu hỏa ở nơi khô giáo, thoáng gió Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 (Sở PCCC Hà Nội) khuyến cáo, người dân khi đi mua bình cứu hỏa mini nên chọn cửa hàng uy tín, có dán tem kiểm định cơ quan chức năng. Khi nhận bình phải kiểm tra kỹ hạn sử dụng ở dưới đáy bình; vòi phun; van hãm; thân bình. Người dân thường xuyên kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất hoặc ít nhất 3 tháng/lần. Đặt bình cứu hỏa ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C. |