Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Điểm xét tốt nghiệp THPT Quốc gia gồm: tổng điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích và điểm trung bình cả năm lớp 12.

Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015

Cách tính điểm

Đến nay, hầu hết thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia đã biết kết quả thi.

Theo Quy chế thi THPT Quốc gia, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Quy chế cũng cho biết, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: tổng điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm xét tốt nghiệp được tính theo công thức sau:           

Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia - 2

Ví dụ, thí sinh có:

Tổng điểm 4 bài thi: 26 điểm

Điểm khuyến khích: 2 điểm

Trung bình cả năm lớp 12: 7 điểm

Điểm ưu tiên: 1 điểm.

Như vậy theo công thức trên, tổng điểm thí sinh xét tuyển tốt nghiệp sẽ là 8 điểm. Như vậy, thí sinh đỗ tốt nghiệp.

Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.

Ngoài ra, những thí sinh đủ điều kiện dự thi không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả bài thi đều đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ GD-ĐT cũng quy định, mức điểm liệt là 1. Như vậy, nếu thí sinh dù đủ tổng điểm 4 bài thi đỗ tốt nghiệp nhưng có một bài thi chỉ được 1 điểm thì cũng sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Cũng theo quy chế kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh được cộng điểm ưu tiên theo khu vực và điểm khuyến khích do có thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tuy nhiên, tổng số điểm được cộng không được vượt quá 4.

Đặc biệt, trong kỳ thi Quốc gia năm 2015, bằng tốt nghiệp sẽ không có loại Giỏi, Khá, Trung bình... mà chỉ có công nhận đã tốt nghiệp.

Thí sinh phải làm gì sau khi biết kết quả thi?

Theo TS. Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí, Bộ GD-ĐT, sau khi công bố kết quả, thí sinh sẽ nhận giấy báo điểm thi tại nơi nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp. Thí sinh có 4 bản giấy báo điểm thi, trong đó có 1 bản để đăng ký hồ sơ cho đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ và 3 bản cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh dùng giấy báo điểm xét tuyển đợt 1 đăng ký vào 1 trường nhưng được 4 ngành và có quyền rút hồ sơ để nộp trường khác.  Thí sinh khi nộp hồ sơ vào một trường sẽ xét ưu tiên ngành đăng ký đầu tiên. Nếu đỗ ngành đầu tiên thì bắt buộc thí sinh phải học, nếu trượt trường sẽ xét tiếp các ngành thí sinh đăng ký tiếp theo.

Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dành cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được đăng ký xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Để tạo điều kiện cho người tham gia đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH-CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Bộ sẽ có phần mềm để thống nhất về quy trình.

Điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được các trường công bố trước ngày 25-8. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Sau khi kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng một, sẽ có bốn đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh có thể dùng đồng thời ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào ba trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN