Cách sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị tôn cứa cổ

Sự kiện: Tin nóng

Liên tiếp trong vòng 48 giờ, đã xảy ra hai tai nạn chết người do tôn cứa cổ.

Sau cái chết thương tâm của cậu bé tử vong do tôn cứa cổ, người dân tiếp tục bàng hoàng hơn với thông tin bà cụ 66 tuổi, ngụ tại Hà Nội cũng vô tình trở thành nạn nhân của những tấm tôn bị kịch. 

Theo thông tin, khoảng 15h ngày 25-9, nữ bệnh nhân được nhập viện trong tình trạng đứt khí quản, tổn thương mạch cảnh hai bên và ngưng tuần hoàn. Cả hai trường hợp bệnh nhân đều tử vong chỉ sau vài giờ, do mất máu quá nặng trong quá trình đưa bệnh nhân đến BV.

Không riêng gì trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay nhiều trung tâm, TP lớn cả nước. Việc di chuyển liên tục và bình thường của những người chở đồ cồng kềnh, nguy hiểm như tôn, thép, sắp, thậm chí là những chiếc tủ lớn chỉ neo buộc bằng vài sợi dây thừng mỏng manh, vì thế nguy cơ gây ra tai nạn là rất lớn.

BS CKI Nguyễn Viết Hậu - Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu BV Đại Học Y Dược TP.HCM, cho rằng một thực trạng hiện tại là kỹ năng sơ cứu trong người dân vẫn còn chưa tốt đặc biệt các sơ cứu vết thương mạch máu. Những vết thương mạch máu nếu được sơ cứu đúng cách, đảm bảo không mất máu quá nhiều thì khi đến bệnh viện có thể chỉ cần được khâu nối lại là có thể cứu được tính mạng của nạn nhân.

Nạn nhân bị vết thương mạch máu thường có xu hướng ngất xỉu rất sớm do tính chất đột ngột của tai nạn, tình trạng mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh, nhưng còn có thể do sự lo lắng, thấy nhiều máu rồi sợ hãi ngất xỉu.

Người dân còn lại tại hiện trường theo tâm lý chung rất hay sợ khi thấy máu, không ai dám xông vào trợ giúp, sơ cứu nạn nhân. Họ lại mất bình tĩnh khi thấy có nhiều máu làm cho việc sơ cứu ban đầu những vết thương mạch máu hay chấn thương có mất máu rất trì trệ.

Bình thường một lần hiến máu có thể đến 350 ml mà người hiến máu vẫn có thể làm việc bình thường. Do đó, lượng máu mất ngay cả đến 1.000 ml nếu tạm cầm vẫn có thể cứu mạng nạn nhân bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp 1.000 ml máu mà thấm ra quần áo và môi trường xung quanh thì rõ ràng rất nhiều người sẽ sợ hãi. Tâm lý chung của mọi người nếu thấy nạn nhân mất máu nhiều kèm với ngất xỉu cứ nghĩ nạn nhân đã chết lại càng chậm trễ thêm nữa.

BS Nguyễn Viết Hậu cho biết thêm, nạn nhân nhập khoa cấp cứu vì vết thương và chấn thương là rất thường gặp, trong đó vết thương mạch máu chiếm số lượng không nhỏ.

Nguyên nhân thường gặp là tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt do các vật sắc nhọn như dao, thanh kim loại, tấm tôn, dây cước…Những vết thương này có thể chỉ gây ra tình trạng chảy máu nhẹ tự cầm nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng mất máu rất nghiêm trọng gây tử vong cho nạn nhân nếu không được sơ cứu ban đầu đúng cách và chậm trễ thời gian đến bệnh viện.

Cách sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị tôn cứa cổ - 1

Số lượng bệnh nhân nhập viện do đứt mạch máu tại BV ĐHYD là không nhỏ ẢNH: H.A

Kỹ năng sơ cấp cứu vết thương mạch máu đúng cách không phải là một kỹ năng quá phức tạp để thực hiện. Điều quan trọng là người sơ cấp cứu tại hiện trường phải bình tĩnh, gọi người xung quanh hỗ trợ, ép ngay chỗ đang chảy máu. Sau đó, người sơ cứu dùng các vật dụng hiện có tại nơi xảy ra tai nạn băng ép có trọng điểm để cầm máu vết thương, trong thời gian sớm nhất đảm bảo vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất.

Trong trường hợp đáng tiếc kể trên, hai nạn nhân đều bị cứa ở vùng cổ nên khả năng mất máu sẽ nghiêm trọng hơn vì hai bên cổ là hai hệ thống động mạch cảnh, một mạch máu rất lớn nuôi vùng đầu, cổ và nhu mô não.

Đây là hệ thống động mạch lớn và quan trọng của cơ thể, đồng thời cũng khó băng ép hơn so với ở tay hay chân. Chính vì vậy, nếu không được sơ cứu đúng cách thì khả năng tử vong sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đó cũng không phải là lý do để khó thực hiện.

Một số quan điểm sai lầm trong sơ cứu nạn nhân là đắp thuốc lá, tro, các loại bột, hay che vết thương lại bằng quần áo,…vì dễ làm vết thương nhiễm trùng, không quan sát được máu chảy, làm nguy hại hơn cho việc điều trị tại bệnh viện về sau.

Do đó, việc phổ biến kiến thức sơ cấp cứu cho người dân đối với các cơ quan đoàn thể nói riêng và ngành y tế nói chung là điều rất cần thiết. Nếu làm tốt giai đoạn sơ cứu tại hiện trường thì rất nhiều người sẽ được cơ hội cứu chữa hơn, chi phí điều trị sau đó thấp hơn đặc biệt ở môi trường mà có rất nhiều người dân bị tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt như ở Việt Nam.

Hiện nay các Hội chữ thập đỏ, các Bệnh viện lớn, Trung tâm cấp cứu đều có mở các lớp sơ cấp cứu ban đầu cho các cơ quan, trường học, đoàn thể, hội nghề nghiệp…nhưng chưa được mạnh mẽ vì chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Nhiều người với tâm lý học kỹ năng này có khi cả đời không dùng đến thì rất phí, tốn thời gian, nhưng thật ra khi sơ cứu thành công, giúp cứu tính mạng một người thì không hạnh phúc nào có thể đánh đổi được.

Cách sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị tôn cứa cổ - 2

Băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân. Ảnh minh hoạ

Theo bác sĩ Hậu, về nguyên tắc vẫn sẽ phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sơ cứu vết thương mạch máu đó là băng ép có trọng điểm vết thương.

Trước tiên, người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương, có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân.

Cách đơn giản hơn rất nhiều giúp người sơ cứu dễ làm và dễ nhớ là cách băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân. Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến BV gần nhất. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Âu (Pháp luật TPHCM)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN