Cách nhận biết loại sương mù nguy hiểm ở Sài Gòn
Sương mù bình thường bầu trời màu trắng đục, cảm giác nhiều hơi ẩm, tiết trời mát hoặc se lạnh. Còn mù khô do ô nhiễm thường có màu vàng đục, cảm giác không khí khá khô, không chỉ giảm tầm nhìn gần mặt đất mà cả trên cao.
Liên tiếp trong những ngày qua, sáng nào trên địa bàn TP.HCM cũng xuất hiện sương mù. Đặc biệt ở những vùng cửa ngõ TP, nơi gần sông nước, sương mù bao phủ dày đặc và kéo dài khá lâu.
Ngày 18-1, trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM về hiện tượng trên, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ cho biết nguyên nhân là do TP.HCM chịu tác động bởi rìa xa phía Nam của áp cao lạnh lục địa cực đới nên nền nhiệt giảm xuống và xuất hiện sương mù.
Cụ thể, ở khoảng 4-7 độ N tồn tại rãnh áp thấp xích đạo, trên đó hình thành những vùng xoáy thấp quy mô nhỏ làm cho thời tiết biển phía Nam xấu đi. Rãnh áp thấp này có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc tức là tiến gần tới đất liền các tỉnh phía Nam, trong đó TP.HCM cũng chịu tác động.
Ở nơi gần sông nước, sương mù dày đặc. Ảnh: TRUNG THANH
Cũng chính rãnh áp thấp này mang theo nhiều ẩm từ biển vào. Do đó điều kiện khí quyển ở tầng thấp chứa nhiều hơi ẩm, gặp nền nhiệt thấp sẽ thuận lợi cho quá trình ngưng kết (tạo thành mây dưới tầng thấp).
Ông Quyết giải thích thêm: “Ngoài ra, TP.HCM luôn là nơi có mật độ phương tiện giao thông cao, xả lượng khí thải đáng kể vào môi trường. Đồng thời phương tiện giao thông luôn xáo trộn bụi dưới mặt đường làm bụi bốc lên cao. Khi gặp khí quyển chưa nhiều hơi nước, gió nhẹ gió hình thành một lớp mờ mịt tầng thấp làm giảm tầm nhìn. Chúng ta gọi đó là hiện tượng mù”
. Ông có thể giải thích kỹ thơn đâu là hiện tượng “sương mù” do thời tiết, đâu là hiện tượng “sương mù” do ô nhiễm môi trường?
+ Ông Quyết: “Có hai loại mù. Mù do hơi nước là hiện tượng bình thường. Còn “mù khô” được tạo ra từ lượng khí thải và khói bụi lớn từ các nhà máy, xí nghiệp… được tích tụ ở tầng không khí thấp sát mặt đất không thể khuếch tán được”.
Người dân cần phân biệt sương mù bình thường và "sương mù" do ô nhiễm để đề phòng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: TRUNG THANH
Trong những ngày bình thường gió sẽ đẩy khói bụi lên cao nhưng trong những ngày gió yếu thì khói bụi không thể khuếch tánnổi, tạo ra hiện tượng mù khô. Các chất gây ô nhiễm không khí tạo nên mù khô phổ biến gồm SO2, NOx, O3 ….Cũng có thể do nguyên nhân cháy rừng tạo nên khói bụi sinh ra hiện tượng mù khô. Tại Nam Bộ đã từng xuất hiện mù khô do cháy rừng từ Indonesia
Hiện tượng mù khô ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ gây nên các bệnh về hô hấp. Do đó nếu có hiện tượng này thì khi ra đường cần trang bị khẩu trang, đeo kính …
. Vậy cách nào đơn giản nhất giúp người dân nhận biết loại “sương mù” do ô nhiễm?
+ Mù hoặc sương mù thì bầu trời màu trắng đục, cảm giác nhiều hơi ẩm, tiết trời mát hoặc se lạnh. Còn mù khô thường có màu vàng đục, cảm giác không khí khá khô, không chỉ giảm tầm nhìn gần mặt đất mà cả trên cao. Thời điểm sang, trưa, chiều đều có. Đối với với sương mù bình thường chỉ thường xuất hiện vào sáng sớm và nhanh tan khi mặt trời lên.
Khu vực trung tâm Sài Gòn và nhiều quận, huyện ngoại thành xuất hiện lớp sương mù dày đặc vào sáng sớm 21.10