Cách nào dẹp nạn đổ thuốc trừ sâu bắt tôm sông Đồng Nai?

Sự kiện: Thời sự

 Theo các chuyên gia, nên sửa luật theo hướng chỉ cần có hành vi sử dụng chất độc, chất nổ khai thác nguồn lợi thủy sản thì đã cấu thành tội phạm...

Trên các số trước, Pháp Luật TP.HCM có loạt bài điều tra về nạn đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để bắt tôm và việc này tồn tại hàng chục năm nay nhưng chưa ai bị xử lý hình sự, dù luật đã có quy định.

Một số chuyên gia cho là cần sửa luật và quy định chi tiết hơn về định lượng, cấu thành tội phạm mới xử lý triệt để vấn nạn này.

Người đổ thuốc trừ sâu đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai bỏ chạy khi tưởng PV là cảnh sát đường thủy. Ảnh nhỏ: Vỏ chai thuốc trừ sâu và tôm trúng thuốc thoi thóp trên sông. Ảnh: MINH HẬU

Người đổ thuốc trừ sâu đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai bỏ chạy khi tưởng PV là cảnh sát đường thủy. Ảnh nhỏ: Vỏ chai thuốc trừ sâu và tôm trúng thuốc thoi thóp trên sông. Ảnh: MINH HẬU

Tách hành vi sử dụng chất độc thành điều luật riêng

Theo ThS - nghiên cứu sinh Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), qua nghiên cứu các bản án về tội phạm, có thể nhận thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người phạm tội này thường rơi vào trường hợp họ “đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi trên mà vẫn còn vi phạm”.

Thực tế nhiều trường hợp đổ chất độc hay hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu vào sông, hồ… để khai thác thủy sản không bị truy cứu TNHS khi bị phát hiện vi phạm lần đầu. Bởi tại thời điểm hành vi vi phạm bị phát hiện, không thể chứng minh được thiệt hại nguồn lợi thủy sản xảy ra trên thực tế là từ 100 triệu đồng trở lên cũng như giá trị thủy sản thu được định giá trên 50 triệu đồng.

Theo ThS Thảo, khi xem xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì hành vi đổ chất độc hay hóa chất độc hại vào nguồn nước nguy hiểm hơn hành vi dùng điện hay các phương tiện khác khai thác thủy sản. Bởi hành vi này gây ô nhiễm nguồn nước và trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do vậy cần tách hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại khoản 1 Điều 242 BLHS năm 2015 thành một điều khoản độc lập để xử lý.

Sửa đổi theo hướng không cần chứng minh về thiệt hại hay hậu quả.

Truy cứu TNHS mà không cần chứng minh thiệt hại

Khi đã tách hành vi trên thì chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, đe dọa gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản hoặc sức khỏe của con người thì đã cấu thành tội phạm mà không đòi hỏi phải có hậu quả thực tế xảy ra.

Theo ThS Thảo, ở một số quốc gia, cơ quan chức năng sẽ truy cứu TNHS hành vi này mà không cần chứng minh thiệt hại. Chẳng hạn, theo BLHS Liên bang Đức thì người thực hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người thì sẽ bị xử lý hình sự cho dù hậu quả cụ thể chưa xảy ra trên thực tế.

Luật sư Lê Doãn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng cần sửa đổi luật theo hướng không cần chứng minh về thiệt hại hay hậu quả mà chỉ cần hành vi hoàn thành là bị xử lý hình sự. “Điều 242 BLHS năm 2015 yêu cầu phải chứng minh thiệt hại nên chưa thể xử lý triệt để được” - ông Tuấn nói.

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;

b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn...

(Trích Điều 242 BLHS 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017)

Lưu ý đến việc khôi phục hiện trạng ban đầu

Ở góc độ khác, luật sư Bùi Trần Nhật Vi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho là cơ quan chức năng cần lưu ý đến biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định người có hành vi vi phạm khôi phục tình trạng ban đầu là chưa rõ. Bởi việc xử lý nguồn nước, thậm chí là vùng đất bị ô nhiễm, bị nhiễm độc là không dễ, nhất là khi đối tượng lại là nguồn nước, là tài sản chung của cộng đồng.

Do đó nên hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng biện pháp khôi phục tình trạng ban đầu đối với những trường hợp này theo hướng buộc người vi phạm phải chịu cả chi phí phí giám định, xử lý, khắc phục về ô nhiễm môi trường để xử lý nguồn nước, các loài thủy hải sản bị nhiễm độc và xử lý phần lòng đất bị nhiễm độc.

Nếu áp dụng triệt để vấn đề này, tình trạng đầu độc nguồn nước sẽ giảm.

Các cơ quan quản lý liên quan đều lên án hành vi đổ thuốc trừ sâu bắt tôm trên sông Đồng Nai và cho biết sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YẾN CHÂU ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN