Cách nào để đi lại an toàn mùa dịch?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Dự thảo kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách do Bộ GTVT xây dựng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành.

Trong đó, các quy định đều hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, thuận tiện cho người dân khi di chuyển nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, các phương án của Bộ GTVT đưa ra rất rõ ràng, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện đúng sẽ đảm bảo an toàn phòng dịch (Trong ảnh: Xe khách trong Bến xe Giáp Bát, Hà Nội chờ ngày hoạt động trở lại). Ảnh: Tạ Hải

Nhiều ý kiến cho rằng, các phương án của Bộ GTVT đưa ra rất rõ ràng, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện đúng sẽ đảm bảo an toàn phòng dịch (Trong ảnh: Xe khách trong Bến xe Giáp Bát, Hà Nội chờ ngày hoạt động trở lại). Ảnh: Tạ Hải

Bỏ điều kiện hành khách phải tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính

So với dự thảo lần 1, dự thảo mới nhất về kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực với những điều kiện áp dụng được đánh giá là phù hợp với nguyên tắc phòng chống dịch và đảm bảo thuận lợi cho hành khách.

Ngoài các điều kiện về y tế, một quy định khác cũng khiến các doanh nghiệp lo lắng là điều kiện về số lượng phương tiện tuyến cố định được phép hoạt động theo từng giai đoạn của phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan cho rằng, nên để thị trường tự điều tiết số lượng phương tiện được phép hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở điều kiện kinh doanh vận tải chặt chẽ, chất lượng phục vụ, cho phép doanh nghiệp được chủ động đề xuất số lượng phương tiện được phép hoạt động để đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định, đây là quy định cho thời điểm nới lỏng dần giãn cách, không phải là hoạt động trong điều kiện bình thường. “Bộ GTVT đã lường trước được việc này nên chỉ quy định tối đa 10 ngày. Tối đa không có nghĩa là quy định cứng. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế của địa phương, hai sở GTVT đầu tuyến chủ động thống nhất điều tiết thời gian phù hợp”, ông Thủy nói.

Theo đó, hành khách khi đi trên phương tiện vận tải đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19 chỉ phải thực hiện nghiêm 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người tham gia giao thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại dự thảo lần 1 cách đây vài ngày, về nguyên tắc y tế áp dụng đối với hành khách, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Hành khách đáp ứng quy định 5K và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Phương án 2: Ngoài việc thực hiện 5K còn phải đáp ứng một trong các điều kiện như tiêm 2 mũi vaccine trong đó mũi 1 ít nhất 14 ngày, hoặc F0 đã khỏi Covid-19, hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Đối với vận tải đường bộ, dự thảo có điểm mới là doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/lần cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

Ngoài ra, lái xe, nhân viên phục vụ thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Đồng thời phải đáp ứng một trong các điều kiện như tiêm 2 mũi vaccine trong đó mũi 1 ít nhất 14 ngày, hoặc F0 đã khỏi Covid-19, hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Với tần suất khai thác xe khách tuyến cố định liên tỉnh, dự thảo quy định Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện một trong 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn cách nhau 10 ngày lần lượt theo tỷ lệ không vượt quá 40% số chuyến trong 10 ngày theo lưu lượng của đơn vị được phê duyệt, có giãn cách chỗ ngồi không vượt quá 60%, có giãn cách ghế không vượt quá 80% và được hoạt động trở lại bình thường.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, để hoạt động vận tải khách hoạt động thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ GTVT đã bỏ điều kiện hành khách phải là người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh và phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

“Hành khách chưa tiêm vẫn được đi máy bay, tàu xe. Đồng thời, bổ sung phương án kết nối các ga, cảng, hàng không đối với các phương tiện cá nhân”, ông Thủy nói.

Doanh nghiệp lo gánh nặng chi phí vì xét nghiệm

Đón nhận thông tin, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan cho rằng, quy định trên giúp người dân thuận tiện hơn trong di chuyển, doanh nghiệp cũng không phải lo lắng vì không có nhiều hành khách đáp ứng đủ điều kiện.

“Nếu quy định như dự thảo lần 1, sẽ rất ít hành khách đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine”, ông Hà nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết, đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, Sở đề nghị chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (tối đa 30 ngày kể từ ngày áp dụng Kế hoạch này) thực hiện tối đa không vượt quá 50% số chuyến trong 30 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Giai đoạn 2 (trạng thái bình thường mới) được hoạt động trở lại bình thường.

Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh. Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.

Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, vừa qua sau khi nghiên cứu, đơn vị cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo của Bộ GTVT và lựa chọn phương án 2. Theo lãnh đạo Sở GTVT Phú Yên, cần sớm đưa hoạt động vận tải trở lại. Mới đây, đơn vị cũng đã có công văn về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Quang Đạt

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc góp ý, việc yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp.

“Taxi chỉ cần quy định xe phải có tấm chắn ngăn cách giữa lái xe với hành khách và trên xe thực hiện đủ nguyên tắc 5K và không cần thiết phải thêm các điều kiện khác”, ông Hùng nói.

Tiếp cận ở góc độ khác, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho hay, vận tải có hoạt động trở lại được hay không phụ thuộc nhiều vào các biện pháp phòng chống dịch của các địa phương.

Nếu tỉnh này mở cửa nhưng tỉnh khác lại đóng, vận tải có hoạt động cũng không hiệu quả. Quan trọng hơn, điều kiện hành khách được lưu thông thế nào cũng rất cần hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, đối với người đã tiêm 1 hay 2 mũi vaccine hay đã khỏi bệnh Covid-19 có thể bỏ điều kiện xét nghiệm.

Quy định như vậy sẽ giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp vận tải. Nếu yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày, doanh nghiệp sẽ phải chịu một khoản chi phí lớn.

“Chi phí này sẽ được tính vào giá thành vận tải và cuối cùng vẫn là người dân phải chịu. Quy định sẽ tác động mạnh vào cung cầu vận tải, người dân không di chuyển, vận tải cũng khó hoạt động. Chi phí tăng nhưng số lượng hành khách chỉ được chở 50% sức chứa của phương tiện, doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ rất nhiều”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An góp ý, cần phân tách 2 phương án áp dụng riêng cho 2 vùng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19.

Cụ thể: Đối với đi lại ở vùng đang phòng dịch thực hiện theo Chỉ thị 19, chỉ cần khai báo y tế và 5K là đủ. Còn đối với vùng Chỉ thị 15 cần phải kiểm soát chặt chẽ bởi lẽ đây hầu hết là những vùng nguy cơ cao hoặc vừa chuyển từ Chỉ thị 16 xuống.

Đối với vùng này cần giới hạn lượng xe, lượng hành khách theo tỷ lệ; cần có kết quả xét nghiệm âm tính đối với hành khách, xét nghiệm định kỳ với lái xe, phụ xe.

Ông Nguyễn Nguyên Huân, Tổng giám đốc Bến xe Miền Tây cho rằng, các phương án của Bộ GTVT đưa ra rất rõ ràng, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện đúng sẽ đảm bảo an toàn phòng dịch.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cũng cho biết, quan điểm mở cửa vận tải của Bộ GTVT là rất thông thoáng cho doanh nghiệp, vấn đề còn lại chỉ chờ ngành Y tế.

Vẫn chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế

Nhiều ý kiến đề xuất với lái xe đã tiêm 1 hay 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có thể bỏ điều kiện xét nghiệm. Ảnh: Tạ Hải

Nhiều ý kiến đề xuất với lái xe đã tiêm 1 hay 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có thể bỏ điều kiện xét nghiệm. Ảnh: Tạ Hải

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, ngành GTVT đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực để tổ chức vận chuyển. Tuy nhiên, điều kiện đi lại an toàn, kiểm soát dịch ra sao vẫn đang được tính toán.

“Nếu bắt người đã 2 mũi vaccine vẫn phải xét nghiệm thì hướng dẫn như thế nào? Bộ Y tế cũng cần sớm có hướng dẫn cho việc đi lại, nhất là với những người đã tiêm đủ 2 mũi và những F0 khỏi bệnh. Đó là tiền đề để khôi phục hoạt động vận tải và hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Hiền nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, đối với vận tải hành khách, khó nhất hiện nay là chưa có nhiều người dân được tiêm vaccine.

Vận tải đường bộ có tính đặc thù, chẳng hạn như đi xe khách có thể yêu cầu không bật điều hòa và mở cửa nhưng đối với máy bay phải có yêu cầu chặt chẽ hơn. Vì vậy, giữa các loại hình vận tải có sự khác nhau về yêu cầu phòng chống dịch đối với hành khách.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các địa phương, Bộ GTVT đã gửi xin ý kiến của Bộ Y tế theo phương án: Hành khách chỉ phải thực hiện nguyên tắc 5K, khai báo y tế và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, đối với nội dung “theo hướng dẫn của Bộ Y tế phòng chống dịch đối với người tham gia giao thông” cụ thể như thế nào, Bộ GTVT đang xin ý kiến.

“Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Bộ GTVT đang xin ý kiến của Bộ Y tế theo hướng giản tiện nhất, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch. Sau khi có hướng dẫn, Bộ GTVT sẽ tiếp thu hoàn thiện ban hành ngay kế hoạch”, ông Thủy nói.

Liên quan các điều kiện y tế đối với người điều khiển phương tiện, ông Thủy cho hay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với lái xe và người đi theo xe đối với xe chở hàng hóa, còn với hành khách và người lái xe khách thì chưa có hướng dẫn.

Tuy vậy, theo quan điểm của Bộ GTVT, lái xe đã tiêm đủ liều vaccine hay F0 đã khỏi bệnh vẫn phải quản lý. Quy định giữ nguyên các yêu cầu đối với lái xe khách như dự thảo lần 1 là hợp lý, đáp ứng công tác phòng chống dịch, bởi lái xe khách là người thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng hành khách.

Tuy nhiên, không phải họ cần đáp ứng tất cả điều kiện, mà chỉ cần thỏa mãn 1 trong các tiêu chí được quy định tại dự thảo.

Kết nối vận chuyển thế nào?

Tại dự thảo kế hoạch vận tải lần 2, Bộ GTVT bổ sung quy định kết nối vận chuyển hành khách đến, đi tại cảng hàng không, ga đường sắt thuộc khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16.

Theo đó, tại cảng hàng không, ga đường sắt phải có vị trí dành riêng cho phương tiện vận tải đường bộ đón, trả khách. Bên cạnh đó, có khu vực dành riêng cho khách chờ lên tàu.

Bộ GTVT cũng giao các sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động vận tải hành khách kết nối giữa vận tải đường bộ với cảng hàng không, ga đường sắt. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lái xe vận chuyển hành khách đi, đến cảng hàng không, ga đường sắt theo nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”; không được phép dừng đỗ trên hành trình.

3 giai đoạn vận tải đường thủy, 2 phương án quản lý thuyền viên

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, dự thảo kế hoạch tổ chức vận tải thủy trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chia thành 3 giai đoạn, với mục tiêu bảo đảm vận tải an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, giai đoạn 1, các phương tiện chở khách được chở tối đa 50% công suất và áp dụng thực hiện giãn cách trên phương tiện, giai đoạn 2 chở 70% và giai đoạn 3 được hoạt động bình thường. “Tuyến vận tải liên tỉnh được mở lại khi có sự thống nhất giữa Sở GTVT hai đầu cảng, bến thủy. Giai đoạn 1, 2 được thực hiện tối đa trong 10 ngày để đánh giá, rút kinh nghiệm, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh”, ông Đạo cho biết.

Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch trên, dự thảo cũng đưa ra điều kiện về y tế đối với thuyền viên, nhân viên làm việc trên phương tiện, cảng bến và hành khách.

Đối với đường sắt, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đơn vị sẽ căn cứ vào kế hoạch của Bộ GTVT để tổ chức chạy tàu khách.

Ở khu vực phía Bắc, bà Phùng Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị vẫn đang chờ kế hoạch chính thức của Bộ GTVT và các địa phương.

Đối với hàng hải, Dự thảo kế hoạch của Bộ GTVT cũng đưa ra hai phương án quản lý thuyền viên, người phục vụ. Trong đó, có phương án thuyền viên, người phục vụ phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Đã tiêm đủ liều vaccine đáp ứng đủ thời gian và có giấy chứng nhận theo quy định; Người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có Giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện; Người có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

T.Thúy - H.Lộc - N.Khánh

Ngày 26/9, thêm 10.011 ca mắc COVID-19 trong nước

Bộ Y tế vừa công bố 10.011 ca nhiễm COVID-19 trong nước (tăng 329 ca so với ngày trước đó (25/9) tại 35 tỉnh, thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN