Cách nào chống tẩy chay LĐ vùng miền?

Tuy hành vi tẩy chay lao động vùng miền trái quy định của pháp luật, song việc xử lý không dễ, nhất là khi công đoàn không vào cuộc, các địa phương thiếu trách nhiệm.

Tình trạng tẩy chay lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh khiến nhiều người lo lắng vì có thể dẫn đến nguy cơ thất nghiệp hàng loạt ở các tỉnh này, đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn.

Kêu gọi doanh nghiệp. Trông đợi công đoàn

Bài liên quan: Cách nào chống tẩy chay LĐ vùng miền?

Nhiều độc giả đã bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ với những người lao động thuộc vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Độc giả Lê Đông (donghai...@yahoo.com) bức xúc viết: “Các doanh nghiệp làm vậy là vơ đũa cả nắm rồi, ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Ai làm thì người đó phải chịu hậu quả, không thể nhìn vào hộ khẩu mà đánh giá một con người. Tôi chỉ thấy khi tuyển công nhân người ta hay để ý đến năng lực, sức khỏe và đạo đức con người chứ chưa thấy nhìn vào hộ khẩu bao giờ”.

Độc giả Phán Quan (lucthien...@gmail.com) thì cho rằng cần thông cảm với cả đôi bên: “Đừng trách những công ty, doanh nghiệp vì họ bỏ tiền ra để kinh doanh chứ không phải từ thiện, họ không muốn dính vào những rắc rối ngoài chuyên môn”. Theo độc giả này, trong số các lao động Nam tiến có nhiều người tốt, do đó “mong rằng các công ty sẽ xem xét lại, cho họ cơ hội”.

Cách nào chống tẩy chay LĐ vùng miền? - 1

Trong một mẩu rao vặt đăng trên mạng, một công ty công khai không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định việc tẩy chay lao động Thanh Hóa, Nghệ An là hành động hoàn toàn trái với quy định của pháp luật lao động. “Mọi lao động đều được đối xử bình đẳng trước quy định tuyển dụng, làm việc… không phân biệt thành phần tôn giáo, dân tộc”, ông Điều nói.

Theo ông Điều, khi phát hiện sự việc, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã có văn bản nhắc nhở những công ty này, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được chuyển biến. “Tôi nghĩ rằng công đoàn tỉnh Bình Dương cần vào cuộc kiểm tra sự việc. Nếu thực sự các công ty tại KCN có thái độ như các phương tiện đại chúng đưa thì họ cần thiết phải có văn bản báo cáo tình hình tới cơ quan chức năng mà trực tiếp nhất là Sở LĐ-TB-XH tỉnh. Từ đây, cơ quan chức năng sẽ có thẩm quyền xử phạt theo quy định. Trước hết là nhắc nhở nếu không chuyển biến sẽ có hình thức xử lý cao hơn”, ông Điều nói.

Các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh phải có trách nhiệm

Trả lời về hiện tượng tẩy chay lao động vùng miền, ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM, cho biết: “Quan điểm của tôi là không bao giờ đồng tình với việc kỳ thị, phân biệt lao động vì tất cả đều là người trong một nước. Quyền mưu sinh của người lao động không ai có thể cản trở được”. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp có quyền tuyển lựa lao động để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Cách nào chống tẩy chay LĐ vùng miền? - 2

Công nhân Thanh - Nghệ - Tĩnh đi tìm việc làm ở TPHCM

“Không phải ngẫu nhiên mà có hiện tượng này. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Theo tôi chính quyền, đoàn thể của 3 tỉnh này (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh) phải có trách nhiệm đối với thanh niên của mình trong đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền đạo đức, lối sống và liên tục trao đổi thông tin để biết lao động của mình đang sinh hoạt làm việc như thế nào. Họ đi đâu, về đâu đều bỏ ngỏ, thì làm sao định hướng cho họ cuộc sống đúng đắn trong môi trường mới”.

Về phía người lao động, ông Lâm khuyên nên tản về các KCN như Tân Tạo, Tân Bình… để xin việc vì dồn hết về KCN Linh Trung, Sóng Thần tạo ra sự mất cân bằng, giảm thiểu cơ hội có việc làm.

Khó áp dụng luật

TS Trần Thị Thùy Lâm, Phó Bộ môn Luật Lao động (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng, Luật Việc làm mới sửa đổi chỉ nêu nguyên tắc chung chung trong quy định tuyển dụng là không phân biệt đối xử với tất cả thành phần, tôn giáo, giới tính… và không có bất cứ chế tài xử phạt nào cụ thể khi doanh nghiệp vi phạm. Trong khi đó, phần tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng lại được Luật dành quyền chủ động cho doanh nghiệp.

“Thực ra vấn đề này cũng rất khó để quy định vào luật. Việc doanh nghiệp tẩy chay hồ sơ người lao động chỉ là sự vi phạm trong giai đoạn tiền sử dụng lao động, tức là chưa phát sinh mối quan hệ lao động. Trong khi đó chế tài của Luật Lao động lại chỉ quy định trong những trường hợp đã có mối quan hệ lao động”, bà Lâm phân tích.

Tuy nhiên, theo bà Lâm, giải quyết vấn đề này hoàn toàn có thể bằng con đường hành chính, chỉ có điều chính quyền địa phương có làm hay không mà thôi. “Chính quyền địa phương bằng cách này hay cách khác có thể chủ động nhắc nhở, thuyết phục doanh nghiệp để họ thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực vơ đũa cả nắm như vậy”, bà Lâm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN