Cách bà Trương Mỹ Lan dựng "ma trận vòi bạch tuộc" quanh Vạn Thịnh Phát
Để phục vụ cho việc làm phi pháp của mình, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động.
Sáng nay (6/3), phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát tiếp tục làm việc. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa sẽ tiếp tục công bố cáo trạng truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, bà Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Bà Trương Mỹ Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Cơ quan điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Tính đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 129.400 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt.
Để phục vụ cho việc làm phi pháp của mình, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thành lập và hoạt động lần đầu vào ngày 19/6/1992. Tính đến tháng 8/2020, tập đoàn này đã trải qua 52 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, với vốn điều lệ là 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là Trương Huệ Vân - cháu gái bà Trương Mỹ Lan.
Tập đoàn có 4 cổ đông chính là bà Trương Mỹ Lan nắm 60% vốn điều lệ; 2 người con gái của bà Lan là Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) và Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn), mỗi người sở hữu 10% vốn; Công ty CP Emerald với đại diện là Trương Huệ Vân sở hữu 20% vốn.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu một loạt bất động sản nằm ở vị trí “vàng” tại TPHCM.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu một loạt bất động sản nằm ở vị trí “vàng” tại TPHCM như Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, Union Square, khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel, khu căn hộ cao cấp Sherwood Residence…
Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Khu dân cư Bonville Land, Ngoài ra còn có Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza, nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị, nhà hàng Đức Bảo…
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng thuê nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, gồm Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó Ngân hàng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Nhóm khác là các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... Đây đều là các công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên như Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...
Một số công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu, gồm Công ty CP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam,Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn.
Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Ngoài ra còn các công ty, như Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc, Công ty TNHH Vinametric, Công ty CP Bông Sen, Công ty TNHH Quản lý Sài Gòn Artisans, Công ty TNHH Sài Gòn Atelier, Công ty TNHH Coco & May,Công ty CP Dấu Ấn V, Công ty CP Dấu Ấn Việt Nam, Công ty CP Eurasia Concept, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Quốc tế Promana, Công ty TNHH The Recipe, Công ty CP The Signature, Công ty Lavifood...
Đặc biệt, cáo trạng xác định, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn có hàng nghìn công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh (công ty “ma”) được bà Trương Mỹ Lan thành lập để phục vụ đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần và lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà này tại nước ngoài.
Cơ quan điều tra có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, đề nghị Tổng chưởng lý Quần đảo British Virgin (thuộc Vương quốc Anh), Tổng chưởng lý Quần đảo Cayman (thuộc Vương quốc Anh) và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) phối hợp xác minh 8 công ty nước ngoài với các nội dung: Thông tin về pháp nhân, người đại diện pháp luật; Quan hệ với Trương Mỹ Lan và các cá nhân khác tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Việt Vĩnh Phú; Xác định việc mua/sở hữu cổ phần SCB và Công ty Việt Vĩnh Phú cũng như các nội dung có liên quan đến SCB. Cơ quan điều tra yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đề nghị Cục Tư pháp Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) xác minh về Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang, Thành viên Hội đồng quản trị SCB. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng chưa nhận được kết quả trả lời. |
Nguồn: [Link nguồn]
An ninh phiên tòa được thắt chặt, VKS đã công bố được 43 trang cáo trạng trong ngày xét xử đầu của vụ án.