Các vụ đánh nhau có xu hướng giải quyết bằng bồi thường

“Đa phần các vụ đánh nhau là do mâu thuẫn bột phát nên sau khi xảy ra vụ việc, phía bị hại và người gây thương tích thường có xu hướng tự thỏa thuận, bồi thường với nhau. Người ta chỉ lôi nhau ra trước pháp luật khi một trong hai phía không có thái độ cầu thị…”, luật sư Lê Văn Kiên nói

Mới đây, Bộ Y tế cho biết, trong dịp nghỉ Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, có hơn 6.000 trường hợp phải nhập viện do đánh nhau. Trước những con số đáng lo ngại của Bộ Y tế vừa công bố, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần xứ lý nghiêm các đối tượng đánh nhau.

Các vụ đánh nhau có xu hướng giải quyết bằng bồi thường - 1


Các vụ đánh nhau có xu hướng giải quyết bằng bồi thường. Ảnh minh họa  

Trao đổi với PV Dân Việt, cán bộ cán bộ Công an phụ trách điều tra hình sự một quận tại Hà Nội (xin giấu tên) cho rằng, việc xử lý hình sự các vụ đánh nhau gặp còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nạn nhân từ chối giám định thương tích hoặc phía bị hại và đối tượng gây thương tích tự thỏa thuận bồi thường với nhau.

“Nhiều trường hợp cơ quan công an vào cuộc điều tra nhưng bị hại từ chối giám định hoặc rút đơn sau khi nhận tiền bồi thường từ phía gây thương tích”, vị cán bộ phụ trách điều tra hình sự nói.

Các vụ đánh nhau có xu hướng giải quyết bằng bồi thường - 2

Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý

Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý, cũng cho rằng, việc xử lý hình sự, răn đe các đối tượng tham gia đánh nhau của cơ quan điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Kiên, phần lớn các trường hợp đánh nhau thường được giải quyết bằng biện pháp “thỏa thuận” giữa nạn nhân và phía người gây thương tích.

“Nhiều trường hợp chỉ vì một câu nói, một câu thách thức mà lao vào đánh nhau đến toác đầu, chảy máu. Hay ngày Tết, chỉ vì có chén rượu mà bạn bè, anh em có thể đánh nhau đến độ cùng nhau nhập viện. Đến khi nằm trong viện, nóng giận qua đi họ mới nhận ra hành vi côn đồ của mình. Tôi từng tư vấn nhiều vụ việc đánh nhau và thấy rằng, đa phần các vụ đánh nhau là do mâu thuẫn bột phát nên sau khi xảy ra vụ việc, phía bị hại và người gây thương tích thường có xu hướng hòa giải, tự thỏa thuận bồi thường với nhau. Người ta chỉ lôi nhau ra trước pháp luật khi một trong hai phía không có thái độ cầu thị, mâu thuẫn kéo dài và hậu quả nghiêm trọng…”, luật sư Kiên nói.

Đối với trường hợp gây thương tích dưới 11% mà thuộc các trường hợp tại Khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự hoặc các trường hợp tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% thì vụ án chỉ được khởi tố khi bị hại có yêu cầu vì phạm vi xử lý của hành vi này chỉ nằm trong khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, trường hợp phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k nêu tại Khoản 1 điều 104 Bộ luật Hình sự thì không cần có yêu cầu của phía bị hại, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án để xử lý và người gây thương tích phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thương tích của mình theo quy định tại khoản 2, 3, 4 điều 104 Bộ luật hình sự”.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN