Các trường hợp căn cước sẽ bị thu hồi, giữ từ 1-7-2024

Luật Căn cước 2023 bổ sung trường hợp thu hồi thẻ căn cước (hiện nay là thẻ căn cước công dân) so với quy định tại Luật Căn cước công dân 2014.

Ngày 27-11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ 1-7-2024, với nhiều nội dung mới nổi bật.

Theo đó, thẻ căn cước công dân theo quy định hiện nay sẽ đổi thành thẻ căn cước.

Cũng theo luật mới, bên cạnh trường hợp công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, thì nếu thẻ căn cước cấp sai quy định hay thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa cũng đều bị thu hồi.

Ngoài ra, thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp:

(i) Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(ii) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ căn cước sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

Người bị giữ thẻ căn cước sẽ được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước. Cơ quan tiếp nhận, trả kết quả khi thực hiện thủ tục tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì có trách nhiệm thu hồi để hủy thẻ căn cước của công dân và thông báo cho cơ quan quản lý căn cước.

Trong khi đó, thẩm quyền giữ thẻ căn cước thuộc về cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định mới, Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31-12-2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-01-2024 đến trước ngày 30- 6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024. Các trường hợp còn lại, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1-7-2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Nguồn: [Link nguồn]

Chưa xác định quốc tịch vẫn có giấy chứng nhận căn cước

Một trong những nội dung được người dân quan tâm trong Luật Căn cước là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỲNH LINH ([Tên nguồn])
Quốc hội thông qua Luật Căn cước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN