Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê tự phát

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hàng ngàn người dân từ TP. HCM, Bình Dương, Long An... tự phát về quê trong những ngày qua, tạo áp lực rất lớn cho tỉnh miền Tây trong công tác tổ chức cách ly tập trung, xét nghiệm, thu dung điều trị.

Trưa ngày 3/10, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng cùng 12 tỉnh ĐBSCL vừa kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự phát về quê.

“Một tuần qua, Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 30.000 người dân tự phát về quê. Riêng đêm 2/10, có hơn 20.000 người trở về. Nếu như sắp tới người dân trở về ồ ạt như thế này, các khu cách ly không còn sức chứa. Chính vì thế, địa phương kêu gọi người dân không nên trở về trong lúc này”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.

Tại trạm kiểm soát T2 (cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang), lượng người đổ về rất đông.

Tại trạm kiểm soát T2 (cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang), lượng người đổ về rất đông.

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng nay (3/10), tại chốt kiểm soát T2-cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang, dòng người từ các tỉnh như Bình Dương, TP. HCM, Long An… vẫn tiếp tục nối đuôi nhau đổ về đây. Lực lượng chức năng tỉnh An Giang được tăng cường nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự và yêu cầu người dân không được tự ý di chuyển sâu vào địa phận TP. Long Xuyên.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã tổ chức phát cơm, bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân trong thời gian chờ địa phương bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, để sàng lọc và đưa về các khu cách ly ở các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú.

Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê tự phát - 2

Ông Thạch Sơn-người dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết, ông làm thuê cho công ty may mặc ở TP. HCM. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hơn 3 tháng nay công ty đóng cửa. Vợ chồng ông Sơn rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi đó tiền ăn uống, điện nước phải chi trả.

“Hai vợ chồng chạy xe máy xuyên đêm mới về đến đây. Trên đường về, chúng tôi được các anh CSGT ở chốt kiểm soát dịch Tiền Giang, Vĩnh Long hỗ trợ đồ ăn, nước uống. Tôi đồng ý làm các thủ tục cách ly y tế theo quy định”, ông Sơn bộc bạch.

Lực lượng chức năng phát bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân trong thời gian chờ địa phương bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, để sàng lọc.

Lực lượng chức năng phát bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân trong thời gian chờ địa phương bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, để sàng lọc.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyến – ngụ huyện Châu Thành, An Giang chia sẻ: “Gia đình tôi cầm cự ở TP. HCM từ nhiều tháng qua. Thế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có việc làm trở lại, trong khi kinh phí sinh hoạt đã hết. Thế nên, chúng tôi tìm cách về quê. Nếu không về, gia đình tôi không còn cách nào khác để bám trụ TP. HCM. Lần trở về quê này, tôi cũng không biết khi nào quay trở lại”.

Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê tự phát - 4

Tính đến trưa ngày 3/10, An Giang tiếp nhận khoảng 20.000 người tự phát trở về

Tính đến trưa ngày 3/10, An Giang tiếp nhận khoảng 20.000 người tự phát trở về

Lực lượng chức năng An Giang đã hướng dẫn người dân vào các điểm tập trung tạm thời trên địa bàn thành phố Long Xuyên để sàng lọc, phân loại từng đối tượng nhằm bố trí cách ly hợp lý.

Ngoài ra, ngành chức năng An Giang tổ chức xét nghiệm nhanh cho những công dân này. Các trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú đón về và thực hiện cách ly theo quy định.

Riêng các trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin từ đủ 14 ngày trở lên hoặc là F0 đã khỏi bệnh, sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 sẽ thực hiện tự cách ly, theo dõi tại nhà, có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang hiện có khả năng cách ly tập trung khoảng 8.000 người. Thế nhưng số người về quê tự phát hiện đã hơn 20.000.

“Nếu người dân về nữa thì quá tải cho khu cách ly và công tác phòng chống dịch của địa phương. Hai đêm qua, cán bộ từ tỉnh đến xã đều phải căng mình xử lý”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Người dân đổ về tỉnh Kiên Giang rất đông.

Người dân đổ về tỉnh Kiên Giang rất đông.

Còn tại Kiên Giang, trên địa bàn huyện Tân Hiệp trong đêm qua có gần 3.000 người dân đổ về gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác phân luồng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Thượng tá Huỳnh Văn Hung, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết, trước tình hình trên, tỉnh đã nhanh chóng điều động tăng cường nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh để phối hợp với Ban CHQS huyện và các lực lượng chức năng tiến hành phân luồng, lập danh sách cũng như quản lý người dân tại khu vực tập trung.

Song song đó, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cũng đã điều động nhiều phương tiện vận tải, tổ cứu thương và xe cấp cứu để hỗ trợ địa phương xét nghiệm nhanh sàng lọc cho người dân. Gần như trắng đêm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đều tập trung hết quân số để hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể, giảm tải lưu lượng người trở về đối với huyện Tân Hiệp.

Kiên Giang xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân.

Kiên Giang xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân.

Tại cuộc họp sáng nay (3/10), ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dự báo số người về tiếp tục tăng, do đó công tác tiếp nhận, chuyển giao, sàng lọc, đưa vào các cơ sở cách ly tập trung phải tiếp tục, chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác này.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT kích hoạt, trưng dụng tất cả những điểm trường học có thể đảm bảo thiết lập được các cơ sở cách ly tập trung, phục vụ tiếp nhận người cách ly tập trung cấp bách trong thời điểm hiện nay. Từng địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với từng tình huống.

Khi người dân về quá nhiều, địa phương khó đảm bảo cơ sở vật chất, khu cách ly tập trung. Thế nên cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nên ai ở đâu ở đó. Các tỉnh, thành như TP. HCM, Bình Dương đã kêu gọi người dân ở lại vì nhiều doanh nghiệp đã mở cửa, rất cần công nhân làm việc. Còn nếu người dân muốn về quê thì đăng ký theo các kênh của tỉnh đã công bố, không nên tự phát về lúc này.

Ngày 3/10, ghi nhận phóng viên, tại Bạc Liêu, dòng người về quê tự phát từ các tỉnh vùng dịch đang gây áp lực rất nặng nề lên các chốt kiểm soát dịch COVID- 19. Trong 3 ngày qua, có hàng ngàn người dùng xe máy về quê. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, phân loại người về quê, tổ chức mở rộng thêm khu cách ly tập trung tại các trường học, nhà văn hoá trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Y tế chỉ đạo phân loại người tiêm 2 mũi vắc xin, người tiêm 1 mùi vắc xin và người chưa tiêm chủng, để cách ly theo nhóm, tránh lây nhiễm chéo.

Người dân được đưa đến các khu cách ly vừa kích hoạt.

Người dân được đưa đến các khu cách ly vừa kích hoạt.

Người dân về từ vùng dịch được cách ly tập trung theo quy định.

Người dân về từ vùng dịch được cách ly tập trung theo quy định.

Cùng thời điểm này, các chốt kiểm soát dịch COVID- 19 đặt tại cửa ngõ tỉnh Cà Mau liên tục ghi nhận nhiều đoàn xe máy đưa người từ vùng dịch về quê. Các lực lượng chức năng đã được tăng cường để phân loại, dẫn đường cho người dân về các khu cách ly.

Lực lượng y tế được huy động để bà con khai báo y tế, phân loại để cách ly tập trung

Lực lượng y tế được huy động để bà con khai báo y tế, phân loại để cách ly tập trung

Đêm 2/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau ghi nhận 9 ca dương tính là những người tự phát về quê. Đến sáng 3/10, Trung tâm ghi nhận thêm 13 ca dương tính là người tự phát về quê.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID- 19 tỉnh Cà Mau đã tái khởi động nhiều khu cách ly tập trung cũ và mở thêm nhiều khu cách ly tập trung mới tại các điểm trường học để đón người về quê.

Lực lượng cảnh sát giao thông với xe chuyên dụng tập kết tại các chốt kiểm soát để sẵn sàng dẫn đường cho người dân di chuyển đến khu cách ly tập trung đặt tại các huyện và thành phố Cà Mau.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong 2 ngày có hơn 6.000 người đổ về, Cà Mau dừng nới lỏng giãn cách

Qua sàng lọc trong hơn 1.000 người về tỉnh Cà Mau có 25 người dương tính với COVID-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Huy - Phương Vũ - Cảnh Kỳ-Tiến Hưng ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN