Các thói quen "tự đốt nhà" dịp tết

Sự kiện: Thời sự

Tết sắp đến, nhiều nhà lo dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa; các cửa hàng tập trung hàng hóa vô tình làm mồi cho bà hỏa mà không hay…

Cuối năm mọi người cúng kiếng, đốt vàng mã, thắp nhang, nấu ăn rồi “giao luôn cho ông táo, ông địa” mà không trông coi. Mọi người cũng lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi sàn gạch, cửa sổ… bằng các chất rất “thân thiện với bà hỏa” gây ra các vụ cháy không đáng có.

Tự đốt nhà!?

Hai năm đã trôi qua nhưng những hộ dân sống xung quanh căn nhà số 9, khu phố 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM vẫn không quên vụ cháy vào sáng mùng 1 tết 2015. Hôm đó nhiều người phát hiện mùi khét và khói bốc lên nghi ngút từ căn nhà nêu trên.

Lửa lan nhanh sang ba căn nhà kế cận, đe dọa một garage ô tô cạnh đó. Cảnh sát PCCC đã có mặt dập lửa. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng tài sản trong nhà bị thiêu rụi, nhiều gia đình mất tết, cả khu phố náo loạn ngày đầu năm. Công an xác định vụ cháy là do gia chủ thắp nhang đèn cúng tết gây ra.

Tháng trước, tại một căn nhà trên đường Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận) xảy ra vụ cháy làm bốn người bỏng nặng, ba trong bốn nạn nhân đã tử vong. Nguyên nhân vụ cháy nổ này là người trong nhà đã dùng xăng cạo rửa lớp keo dán mút xốp. Phòng kín, diện tích nhỏ (chưa đến 13 m2), hơi xăng khắp phòng nhưng một trong các nạn nhân bất cẩn bật lửa hút thuốc, gây cháy nổ.

Cũng trong tháng trước, người dân bàng hoàng với hậu quả đau lòng của vụ cháy một căn nhà trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 làm sáu người trong một gia đình chết thảm. Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, vụ cháy là do chập điện...

Các thói quen "tự đốt nhà" dịp tết - 1

Công an khám nghiệm hiện trường vụ cháy ở quận 4 khiến bé trai 10 tuổi tử vong. Ảnh: QUÂN LÊ

Tránh lau chùi nhà cửa bằng xăng

Theo Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Pháp chế, điều tra, xử lý về cháy nổ thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM, nhiều người hay sử dụng xăng dầu để lau chùi, giặt đồ, làm sạch sàn nhà, vết bám để đón tết… và rất dễ gây tai họa. “Nếu không thực sự cần thiết, không dùng xăng lau chùi nhà cửa, trang thiết bị” - ông Hà khuyến cáo.

Còn trường hợp bất đắc dĩ phải dùng xăng để lau chùi, ông khuyên: Chỉ rót ra một lượng đủ sử dụng, đóng nắp lại ngay để tránh xăng bay hơi, tránh xa cầu dao điện, nguồn nhiệt. Không hút thuốc lá, khoan, mài, cắt… khi sử dụng xăng. “Nếu dùng xăng lau nhà, phải mở phòng thoáng. Dùng xăng lau chùi trang thiết bị thì nên đưa hẳn thiết bị đó ra ngoài, ở vị trí thoáng mát. Lúc làm việc chú ý không để xăng bắn vào người, không để dây, rơi vãi, tránh xa nguồn nhiệt như bếp lửa, cầu dao...” - ông khuyến cáo.

Một số người còn có thói quen trữ xăng dầu trong nhà để sử dụng hoặc bán lẻ. “Đây là hành vi nguy hiểm, dễ gây cháy nổ, cần tránh” - ông Hà nói.

Cẩn thận với điện, nhang đèn

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM, nhận định thắp nhang, đốt vàng mã, nấu nướng và sử dụng điện không đúng cách rất dễ gây cháy nổ trong các ngày trước, trong và sau tết. “Hầu như dịp tết năm nào cũng có vài vụ cháy do sự bất cẩn của người dân” - ông nói.

Theo ông Tuyến, các ngày tết thường nhiều việc, nhiều đun nấu. Rất nhiều người vừa nấu vừa làm việc khác làm cháy thức ăn, lan sang các vật dụng khác. Khi đốt vàng mã, người dân không che chắn, tàn lửa bay sang các vật dễ cháy và phát hỏa. Có gia đình đốt quá nhiều vàng mã, gặp gió vàng mã cháy phừng, bay tán loạn dẫn tới hỏa hoạn.

Ông Tuyến khuyến cáo: Khi thắp nhang phải có vật liệu hứng tàn, tránh tàn nhang rơi vãi. Chú ý đừng để chân nhang quá nhiều trong bát vì có khi cháy xuống chân nhang dễ gây cháy. Vàng mã thì nên đốt trong những vật dụng bằng kim loại, cách xa những chất liệu dễ cháy.

Dịp tết nhiều người về quê, đi du lịch dài ngày nhưng không tắt hết thiết bị điện, cúp automat tổng. “Đơn giản như cây quạt, dù đã tắt điện nhưng không rút dây ra khỏi ổ cắm vẫn có khả năng chạm chập điện, gây cháy nổ” - ông nói.

Cận tết, các cơ sở sản xuất thường chạy hết công suất, dễ dẫn xảy ra sự cố về điện; các cơ sở kinh doanh thì nhiều hàng hóa và thường tận dụng tối đa không gian để xếp hàng, cũng dễ gây cháy. Các hộ dân thường sử dụng điện nhiều hơn trong dịp tết, phích điện chồng chéo trong một ổ cắm dễ xảy ra chạm, chập điện. “Cẩn thận với bà hỏa luôn không thừa, người dân phải đặc biệt lưu tâm vì chỉ một phút bất cẩn, hậu quả sẽ khôn lường” - cảnh sát PCCC khuyến cáo.

Bình tĩnh khi có hỏa hoạn

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, khuyến cáo: Các gia đình cần tự kiểm tra an toàn PCCC, xem lại nguồn điện, nguồn nhiệt, nơi thờ cúng, nơi đốt vàng mã. Các hộ dân cần kiểm tra các góc khuất, trần nhà, mái nhà xem đường dây điện an toàn chưa, thiết bị điện đảm bảo hay không… Mỗi nhà nên trang bị bình chữa cháy xách tay, đọc hướng dẫn trên vỏ để khi có sự cố là xử lý liền.

Khi xảy ra bất cứ sự cố gì, người dân cần gọi ngay 114 và cố hết sức để bình tĩnh tìm mọi cách thoát thân. Có thể leo lên mái nhà, ra ban công, bám tuột xuống từ lan can, thậm chí đập vỡ một khoảng trống nào đó để tạo lỗ thoát thân…

Trong trường hợp nhà chỉ có một lối thoát hiểm mà bị lửa chắn lối ra, không có dụng cụ phá tường và biết có người đang hỗ trợ bên ngoài, thay vì khóc lóc, đập cửa thì bình tĩnh dùng chăn, khăn mặt, khẩu trang, áo, thậm chí cả áo lót… nhúng vào nước bịt mũi, trùm lên người để hạn chế việc hít khí độc.

Ngất xỉu trong vòng 15 phút, nếu được cấp cứu kịp thời, đúng cách vẫn có thể giữ được tính mạng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN TRÀ (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN