Các tân bộ trưởng nói gì sau khi được phê chuẩn?

Ngày 9-4, ngay sau khi được Quốc hội (QH) phê chuẩn, một số tân bộ trưởng đã có chia sẻ với báo giới về những mục tiêu đặt ra cũng như chương trình hành động của mình.

Các tân bộ trưởng nói gì sau khi được phê chuẩn? - 1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Vinh dự và trách nhiệm nặng nề

Trả lời báo giới về cảm nghĩ của mình sau khi được QH phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT), ông Trương Minh Tuấn tâm sự: “Tôi nhận thức rằng đây là niềm vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Đảm nhận cương vị mới này, tôi thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó. Con đường phía trước với trọng trách mới, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo của Bộ TT-TT cố gắng đề ra các biện pháp, bước đi để thực tốt nhiệm vụ của ngành”.

Trong khi đó, tân Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói: “Đây là một niềm vinh dự của bản thân nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề, trước hết đối với bộ, với ngành và mở rộng hơn là đối với đất nước, nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân”.

Các tân bộ trưởng nói gì sau khi được phê chuẩn? - 2

Tân Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long

Ông Lê Thành Long cho biết thời gian còn còn lại của nhiệm kỳ QH khóa XIII chỉ còn 3 tháng và sẽ tập trung hoàn thành phần việc còn lại của nhiệm kỳ cũng như nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2016 mà người tiền nhiệm để lại.

“Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi sẽ cùng các thành viên khác của Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thực hiện chương trình công tác nhiệm kỳ của Chính phủ cho đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Sắp tới chúng ta sẽ thực hiện cuộc bầu cử QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong phạm vi, nhiệm vụ của ngành tư pháp, chúng tôi sẽ tập trung phổ biến tuyên truyền về Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. Những phát sinh trong khuôn khổ của ngành sẽ được tập trung xử lý”- ông Long chia sẻ.

Bắt tay ngay vào việc

Bày tỏ niềm vui và vinh dự khi vừa được QH phê chuẩn giữ cương vị Bộ trưởng một bộ đa ngành, có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tân Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ phải thực hiện trong năm 2016 hết sức nặng nề, phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực còn chưa thuận lợi cho hoạt động thúc đẩy sản xuất cũng như thương mại. “Vì thế giai đoạn còn lại của năm 2016, nhiệm vụ của Bộ Công thương là phải tập trung quyết liệt để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô như đã đặt ra với QH, trong đó các chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như của thương mại phải đạt được mức độ khả quan để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội”- ông Tuấn Anh bộc bạch.

Các tân bộ trưởng nói gì sau khi được phê chuẩn? - 3

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo ông Trần Tuấn Anh, nhiệm vụ thứ hai của Bộ Công thương trong thời gian tới đ là tập trung thể chế hóa các cam kết hội nhập của Việt Nam. “Các cam kết hội nhập đã bước vào giai đoạn mới, quyết liệt và ở diện rộng và sâu do hàng loạt cam kết hội nhập sẽ được triển khai ngay trong năm 2016. Vì vậy thể chế hóa sớm để hoàn thiện khung pháp lý cũng như môi trường để thúc đẩy các hoạt động hội nhập của doanh nghiệp, nền kinh tế và cũng như của cả xã hội của chúng ta”- ông Tuấn Anh nói.

Nhiệm vụ thứ ba mà Tân Bộ trưởng Công thương đặc biệt nhấn mạnh chính là những vấn đề tồn đọng, đang bộc lộ ra những tồn tại trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công thương đã được dư luận xã hội, báo chí, đại biểu QH và cử tri nêu lên trong thời gian qua. "Những việc đó cũng cần được khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại khung pháp lý để hoàn thiện. Đồng thời phải có biện pháp để khắc phục những tồn tại này, đáp ứng yêu cầu chung của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đại biểu QH”- ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Là người có số phiếu bầu cao nhất (93,72%), tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho hay Đảng, Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc, sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc là chiến lược rất quan trọng.

“Do vậy, hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động khi được QH phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc. Tôi cũng nhận thức được trách nhiệm rất nặng nề của mình, trong thời gian tới, tôi sẽ cùng với các thành viên khác của Chính phủ tập trung triển khai các nội dung mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã đề ra. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đầu tư thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Đầu tư cho giáo dục, y tế, nguồn nhân lực để làm sao đó, để có những biến chuyển, thay đổi rõ nét về kinh tế, xã hội ở khu vực đồng bào dân tộc, miền nùi, nhất là khu vực ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung"-ông Chiến bày tỏ.

Các tân bộ trưởng nói gì sau khi được phê chuẩn? - 4

Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay, vấn đề ngân sách Nhà nước hiện đang căng thẳng, khó khăn và kinh phí để hỗ trợ, đầu tư, phát triển các vùng dân tộc, miền núi cũng đang trở nên hạn hẹp. Vậy thì, ông đánh giá về sự khó khăn này như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Đỗ Văn Chiến: Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Như mọi người đã biết, Chính phủ đã tập trung vào chương trình 135, 30A và hiện nay là chương trình giảm nghèo bền vững quốc gia và chúng ta cũng biết, ngân sách Quốc gia còn nhiều khó khăn nhưng sự ưu ái, đầu tư của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua là rất đáng kể.

Tôi cũng nhận thức là nguồn ngân sách có hạn nên chúng ta phải tập trung khai thác thêm nguồn vốn xã hội hóa, rồi các tổ chức phi chính phủ của quốc tế quan tâm vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Chúng ta phải thực hiện lồng ghép các nguồn vốn sao cho có hiệu quả.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhân dân và Quốc hội rất mong muốn thế hệ bộ trưởng mới này sẽ là những bộ trưởng hành động. Vậy, ông sẽ hành động quyết liệt nhất vào những đột phá nào để tạo chuyển biến?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến: Thực ra công tác dân tộc và đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng miền núi, dân tộc là lĩnh vực có nhiều khó khăn.

Bởi địa hình miền núi chia cắt, hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ dân trí ở khu vực này so với khu vực khác có mức độ hơn.

Do vậy, chương trình hành động của tôi là sẽ tập trung với các đồng chí lãnh đạo ban cán sự Đảng, ủy ban dân tộc sẽ triển khai có hiệu quả chiến lược công tác dân tộc mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020.

Chúng tôi cũng tập trung làm sao để các cấp ủy Đảng, chính quyền các dân tộc, dân tộc thiểu số phấn đấu thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được số phiếu cao nhất vì nhà nước quan tâm đến bà con

Trả lời về cảm xúc của mình khi được QH phê chuẩn với số phiếu cao nhất (93,72%), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tâm sự: “Tôi rất phấn khởi khi được QH tín nhiệm với số phiếu cao nhất. Tôi cũng ý thức rằng đây là sự tín nhiệm của QH đối với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc, miền núi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN