Các nhà giáo VN hiến kế hiện thực hóa gộp kì thi quốc gia

Các nhà giáo ưu tú hàng đầu ở Việt Nam vừa hiến kế để hiện thực hóa 3 phương án cho kỳ thi quốc gia từ 2015 mà Bộ Giáo dục - Đào tạo mới đưa ra.

Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố dự thảo 3 phương án cho kỳ thi quốc gia năm 2015 như sau:

Phương án 1: Tổ chức thi theo môn, theo cách truyền thống. Thí sinh sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thi 8 buổi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.

Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý). Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 thành 4 bài thi: Toán-Tin; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ); Khoa học Xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); và bài thi Ngoại ngữ. Thí sinh phải thi cả 4 bài thi trong 4 buổi với tổng thời gian 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Cần thêm thời gian?

Các nhà giáo VN hiến kế hiện thực hóa gộp kì thi quốc gia - 1

Thí sinh dự thi ĐH- CĐ năm 2014

Luận bàn về việc này, PGS Văn Như Cương - nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam tán thành phương án 1 vì nó không thay đổi quá lớn so với hiện tại nếu chúng ta thực hiện từ 2015.

Tuy nhiên, về lâu dài, nên tiến tới thi theo bài như phương án 2 thay vì thi theo môn như phương án 1. Ông nói: “Tôi nghĩ phương án 2 là tối ưu, nhưng cần thêm thời gian chuẩn bị cho cả thầy và trò.

Theo ông, có thể năm 2016 là thời điểm thích hợp hơn để thực hiện phương án 2.  Đến 2017 hoặc sau đó, hiện thực hóa phương án 3.

“Tóm lại tôi tán thành kế hoạch của Bộ Giáo dục – Đào tạo với những phương án thay đổi từ 2015. Còn về lộ trình thực hiện các phương án, tôi xin đề xuất theo trình tự như trên”, PGS cho hay.

Cũng theo vị PGS này, sự thay đổi như vậy có thể thực hiện được ngay chứ không phải băn khoăn chờ thêm 1 – 2 năm nữa bởi thay đổi theo phương án 1 thì không khác quá lớn so với hiện tại.

“Vấn đề ở chỗ phải nghiên cứu kỹ đề án để sau khi thi, căn cứ để xét tuyển vào đại học như thế nào?”, PGS Văn Như Cương băn khoăn.

Bình luận về việc nên chăng bỏ kỳ thi đại học, PGS Văn Như Cương nói thêm: “Theo tôi cứ để học sinh thi xong, biết điểm từng môn sau đó mới chọn trường đại học, cao đẳng… để đăng ký xét tuyển. Như thế không khí sẽ bớt căng thẳng hơn, giảm áp lực cho xã hội và học sinh có nhiều sự lựa chọn”.

Về việc bỏ kỳ thi đại học, ông Văn Như Cương cho rằng hợp lý vì nhập 2 kỳ thi đại học – tốt nghiệp THPT thành một không phải là cách xóa nhòa chức năng, vai trò của 2 kỳ thi ấy.

Thay đổi cách tiếp cận

Đó là nhận định của GS. TSKH Vũ Minh Giang – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Để chứng minh cho nhận định trên của mình, GS Vũ Minh Giang phân tích, với một nền giáo dục tiếp cận nội dung tức là dạy, đưa nhiều kiến thức cụ thể thì học sinh trước khi đi thi phải học thuộc, nhớ nhiều. Một khi như vậy, nhiều bạn chắc chắn sẽ học vẹt, học tủ, thậm chí quay cóp.

“Theo tôi, ngoài việc dạy kiến thức cơ bản nên tập trung dạy kĩ năng, cách tiếp cận, xử lý thông tin mà việc này có thể dạy, học và áp dụng ở bất cứ nơi đâu trong bất kì khoảng thời gian nào.

Nếu chỉ dạy kiến thức cụ thể, thầy làm sao có thể theo hết các kiến thức mới hàng ngày? Thậm chí học trò nhiều khi còn biết trước thầy nhiều chuyện ấy chứ.

Nói cách khác, muốn đổi mới nền giáo dục nước nhà phải thay đổi một cách toàn diện, căn bản chứ các phương án thi cử như trên không có ý nghĩa gì lớn”, ông Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giang, nhiều người có thể sẽ hiểu mông lung về khái niệm “căn bản” mà ông nêu trên. Theo ông, nước ta đã dừng ở một nền giáo dục lạc hâụ trong một thời gian khá dài. Đó là nền giáo dục mà xưa nay ta vẫn quen gọi là tiếp cận nôị dung – cung cấp kiến thức cụ thể từ phổ thông cho đến đaị học.

Ngày nay, với sự bùng nổ và phát triển của khoa học công nghệ, mỗi ngày có bao nhiêu kiến thức mới với nhiều kênh thông tin để tiếp cận. Do vâỵ nên dạy cho người ta cách học chứ không phải dạy kiến thức cụ thể như trước nữa.

Nên nhớ kiến thức cụ thể bao giờ cũng thiếu nên mới “đẻ” ra các căn bệnh trầm kha như dạy – học quá tải, nhiều chương trình, sách giáo khoa bị thay đổi thường xuyên, thi cử toàn phải học thuộc…

“Giờ giữ bình cũ thay rượu mới thì e rằng khó thay đổi căn bản được. Tóm lại việc đưa ra 3 phương án thi như trên theo tôi không phải là thay đổi căn bản. Chuyện lớn hơn là phải thay đổi cách tiếp cận, triết lý giáo dục, từ đó kéo theo những thay đổi khác chứ giờ có thay đổi cách thi cũng không thay đổi được nền giáo dục nước nhà”, GS Vũ Minh Giang khẳng định.

Nói về việc bỏ thi đại học, theo vị giáo sư này, tốt nghiệp phổ thông và thi đại học là hai chuyện khác nhau do nhu cầu khác nhau. Thi tốt nghiệp chỉ cần đủ điểm là đỗ còn thi đại học nhiều khi điểm cao vẫn trượt.

Thi tốt nghiệp là kiểm tra những kiến thức cơ bản để học sinh bước vào đời và có tính chất công dân còn thi đại học để phân loại năng lực, khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội.

GS nói: “Hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau nên nếu gộp làm một rất khó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN