Các chiến dịch giải cứu con tin bất thành của quân đội Mỹ
Ngày 6/12, 2 con tin bị tổ chức Al-Qeada bắt cóc tại Yemen là phóng viên ảnh người Mỹ Luke Somers và một con tin là công dân nước khác đã bị giết hại trong nỗ lực giải cứu không thành công của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Tuy nhiên trong lịch sử, đây không phải lần đầu tiên, chiến dịch giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ bất thành.
Theo hãng Al Jazeera, phóng viên ảnh người Mỹ Luke Somers và giáo viên người Nam Phi Pierre Korkie đã bị bắn bởi những kẻ bắt cóc khi đặc nhiệm Mỹ và biệt kích Yemen thực hiện chiến dịch giải cứu con tin chung tại tỉnh miền nam Shabwa của Yemen. 2 người đã được giải cứu, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên họ đã tử vong trong khi được đưa tới một căn cứ hải quân Mỹ.
Theo chuyên gia, các chiến dịch giải cứu con tin luôn tồn tại những rủi ro
Trước đó vào ngày 25/11, Mỹ cũng đã tiến hành một chiến dịch khác giải cứu phóng viên Somers, kết quả là 8 con tin đã được giải cứu nhưng trong đó không có nhà báo 33 tuổi này do những kẻ bắt cóc đã đưa anh đi trước khi lính Mỹ ập vào.
Lý giải cho những thất bại của quân đội Mỹ trong việc giải cứu con tin, ông Christopher Voss, một nhà cựu đàm phán con tin của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, cho biết: “Bên cạnh những vụ giải cứu đã thành công, thì nhiệm vụ này luôn có những rủi ro. Các con tin nằm trong tay những kẻ khủng bố, họ có thể bị giết hại bất cứ lúc nào, bạn không thể chắc chắn rằng họ sẽ được thả.”
Những chiến dịch giải cứu con tin bất thành trong lịch sử Mỹ
Chiến dịch giải cứu con tin diễn ra vào ngày 6/12 vừa qua không phải thất bại lần đầu tiên của quân đội Mỹ trong nỗ lực nhằm đưa các con tin trở về
1980 – Chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”, Iran
Vào tháng 4/1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã phê duyệt chiến dịch nhằm giải cứu 52 nhà ngoại giao bị lực lượng cách mạng Iran bắt giữ sau khi họ chiếm đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào tháng 11/1979.
Nhiệm vụ này sau đó đã thất bại sau khi chỉ có 5 trong tổng số 8 trực thăng cứu hộ tới được địa điểm tập kết tại tỉnh Yazd, miền trung Iran do những chiếc máy bay đã bị hư hỏng hoặc buộc phải quay đầu trở lại sau khi gặp phải một cơn bão cát.
Lúc trở về, một trực thăng đã va phải một chiếc máy bay vận tải quân sự khiến 8 binh lính Mỹ thiệt mạng.
Các con tin chỉ được thả vào tháng 1/1981 sau một vòng đàm phán căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
2010 – Cái chết của Linda Norgrove, Afghanistan
Vào ngày 26/9/2010, nhân viên cứu trợ người Scotland Linda Norgrove và 3 đồng nghiệp người Afghanistan đã bị các tay súng Taliban bắt cóc khi họ tới tỉnh Kunar, phía đông Afghanistan, nơi cô đang có một dự án từ thiện. Trước các thông tin tình báo, Thủ tướng Anh David Cameron, ngày 8/10/2010 đã chấp thuận chiến dịch giải cứu do đặc nhiệm Mỹ dẫn đầu nhằm giải cứu Norgrosve vào đêm ngày 13/10.
Mỹ sau đó đã tiến hành một cuộc tiến công trước bình minh tại sườn đồi nơi Taliban đang ẩn náu và giam giữ cô. Tuy nhiên Norgrove đã bị giết hại trước khi được giải cứu. Một số nguồn tin cho rằng Norgrove đã bị giết bởi một trong những kẻ bắt cóc sau khi phát hiện bị đột kích. Tuy nhiên một cuộc điều tra của NATO đã cho biết cô đã vô tình bị giết bởi một quả lựu đạn bay lạc của lính đặc nhiệm thực hiện chiến dịch giải cứu.
2011 – Chiến dịch giải cứu 4 công dân Mỹ bị cướp biển Somalia bắt cóc
Cướp biển Somalia bị bắt giữ
4 công dân Mỹ gồm Jean, Scott Adam, Phyliss Macay và Bob Riggle đã bị cướp biển Somalia bắt giữ vào tháng 2/2011 ngoài khơi bờ biển Oman. Ngay sau đó, hải quân Mỹ đã phái một tàu khu trục tên lửa dẫn đường tới đây để giải cứu 4 con tin này. Một lần nữa chiến dịch giải cứu con tin của Mỹ lại thất bại khi binh lính ập lên tàu của những tên cướp biển, và phát hiện ra các con tin đã bị giết hại. Một số kẻ bắt cóc sau đó đã đầu hàng, và bị bắt giam.
2014 – Sotloff, Foley và các con tin bị bắt cóc bởi IS
Vào đầu năm qua, Lầu Năm Góc thừa nhận họ đã thực hiện một nhiệm vụ bí mật trong nỗ lực giải cứu các con tin đang bị Nhà nước Hồi giáo (IS) giam giữ tại Syria, trong đó có nhà báo James Foley và Steven Sotloff. Tuy nhiên quân đội Mỹ đã thất bại trong việc tìm kiếm các con tin tại một nhà giam tạm thời, nơi được cho là giam giữ các con tin và họ cũng tiến hành một cuộc tìm kiếm trên quy mô lớn nhưng thất bại sau khi quân đội xác nhận các con tin không còn trong khu vực.
Nhà báo người Mỹ James Foley (phải) và Steven Sotloff
Một số tay súng của IS đã bị tiêu diệt trong chiến dịch này. Các báo cáo cũng cho rằng các con tin đã được di chuyển khỏi nơi giam giữ trong vòng 24 giờ trước khi bị đặc nhiệm Mỹ đột kích. Chiến dịch giải cứu thất bại đã khiến 2 nhà báo Mỹ bị IS hành quyết và 3 con tin người phương Tây cũng giết hại tương tự.