Cả Thủ đô chỉ có 50 bộ áo chống cháy

“Toàn bộ kho của lực lượng PCCC Hà Nội chỉ còn 50 bộ quần áo chống cháy cho lực lượng”, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết.

Chiều 4/6, tại buổi họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội trả lời PV xung quanh vụ cháy cây xăng tại Hà Nội, diễn ra hôm qua (3/6).

Trước đó, vào khoảng 13h ngày 3/6, trong quá trình nhập xăng vào 3 bể ngầm của Cửa hàng xăng dầu số 9 thuộc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã xảy ra cháy lớn.

Hơn 5 giờ sau, đám cháy được khống chế. Vụ cháy này đã khiến 9 cảnh sát cứu hỏa và một dân phòng bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu.

Cả Sở có 50 bộ quàn áo chống cháy

Tại cuộc giao ban báo chí chiều 4/6, PV đặt câu hỏi, trong số 9 cảnh sát nhập viện, có hai cảnh sát bị lửa bắt nhưng trên người không có quần áo bảo hộ. Vậy cảnh sát này không tuân thủ quy định hay không có quần áo bảo hộ?

Trả lời vấn đề này, thiếu tướng Nghi thừa nhận, hiện tại, trang bị cho lực lượng PCCC đang còn thiếu. Toàn bộ kho của lực lượng PCCC Hà Nội chỉ còn 50 bộ quần áo chống cháy. Ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, toàn bộ số quần áo chống cháy này được phát hết cho nhân viên.

Cả Thủ đô chỉ có 50 bộ áo chống cháy - 1

Vụ cháy này đã khiến 9 cảnh sát cứu hỏa và một dân phòng bị thương (Ảnh: Hồng Phú)

Thiếu tướng Nghi cũng cho hay, các phương tiện chữa cháy như quần áo, ủng, xe thang, bọt đều phải nhập khẩu với giá thành rất đắt, trong nước chưa sản xuất được. Ví dụ mỗi bộ quần áo chống cháy có giá khoảng 300 triệu đồng.

Trong khi đó, nguồn ngân sách của Sở PCCC từ hai nguồn là Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội còn có “mức độ”, nên muốn mua thêm trang bị đều phải cân nhắc.

Sở PCCC Hà Nội đang xin mua thêm một số bộ dò tìm âm thanh hình ảnh. Ví dụ như vụ sập nhà ở đường Tạ Quang Bửu, Hà Nội vừa qua, khi tảng đá sập xuống, nạn nhân bị vùi lấp không biết đâu mà tìm. Nếu có thiết bị dò tìm sẽ biết nạn nhân nằm ở đâu, còn khỏe hay yếu...

Nhân viên bất cẩn

Nhận định ban đầu về vụ cháy nổ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho biết, do sự tắc trách của nhân viên đại lý xăng dầu.

Cụ thể, trong quá trình xả xăng từ xe vận chuyển xăng dầu xuống bể chứa, không có nhân viên giám sát. Xăng bị rò rỉ, chảy xuôi theo đường rãnh, đi qua cửa hàng sửa xe và đến quán cơm bên cạnh. Quán ăn có lò than tổ ong, bắt nhiệt và phát cháy ngược lại về xe chứa và bể.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nghi cho rằng: “Đây mới chỉ là kết luận ban đầu. Để có kết luận cuối cùng, phải chờ phải chờ cơ quan điều tra vào cuộc và chúng tôi sẽ công bố. Chuyện này không có gì mà phải giấu giếm”.

Cả Thủ đô chỉ có 50 bộ áo chống cháy - 2

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ cháy là do sự tắc trách của nhân viên đại lý xăng dầu

Lý giải về việc dùng nước dập lửa để dập cháy, tướng Nghi cho biết, các phương tiện truyền thông có ý kiến trái chiều về việc dùng nước để chữa cháy xăng.

“Nước là để làm mát khu vực bồn chứa, tránh xảy ra nổ. Sau đó, dùng bọt, cát phối hợp để dập lửa”, Thiếu tướng Nghi giải thích.

Cũng theo vị Giám đốc Sở PCCC, lo ngại lớn nhất là vụ cháy sẽ dẫn đến nổ và xăng theo nước cháy vào hệ thống cống ngầm sẽ gây ra thảm họa. Cảnh sát PCCC đã dùng cát vây lại, đặt ống dẫn bên dưới để nước chảy ra, qua đó đã hạn chế được mối lo ngại này.

Bởi lúc này, lượng xăng tại cây xăng rất lớn; ngoài 22.000 lít xăng trong xe bồn, còn có thêm bể chứa có thể tích 75.000 lít xăng. Bên cạnh đó, người dân rất đông, bệnh viện ngay bên cạnh, lực lượng tham gia chữa cháy rất đông, nên nếu phát nổ nó không khác gì một quả bom, hậu quả khôn lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN