Cả nước có hơn 20 vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Số lượng lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao nhất trong các nhóm.
Theo số liệu thống kê của Viện Khoa học lao động & xã hội, số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tiếp tục gia tăng (ảnh minh hoa: Tất Định)
Chiều 2.12, Viện Khoa học Lao động – Xã hội công bố bản tin Cập nhật thị trường lao động quý III năm 2016.
Theo đó, trong quý III.2016, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý II.2016. Trong đó, độ tuổi lao động là thanh niên (từ 15-24 tuổi) có số lượng người thất nghiệp cao. Số người bị thất nghiệp trong độ tuổi này là hơn 640.00 người.
Đặc biệt, ông Đào Quang Vinh, Trưởng Ban biên tập bản tin Thị trường Lao động Việt Nam cho hay, trong số những người bị thất nghiệp, số người có trình độ chuyên môn thất nghiệp là hơn 450.000 người.
Nhóm có trình độ đại học trở lên thất nghiệp nhiều nhất, hơn 200.000 người. Tiếp đó, số người thất nghiệp của nhóm cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp chuyên nghiệp cao.
Ông Vinh cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, chất lượng lao động tiếp tục được cải thiện. Về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng so với quý II.2016 và cùng kỳ năm 2015. Quý III.2016 thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4,93 triệu đồng, tăng 326.000 đồng (7.1%) so với cùng kỳ năm 2015.
Lực lượng lao động làm việc trong ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất, tiếp đến là nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp đánh giá thị trường lao động quý III đã có những chuyển biến tích cực như tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng, tỉ lệ việc làm trong ngành nông, lâm, thủy sản giảm, thu nhập của lao động làm công ăn lương tăng lên. Tuy nhiên, quan sát 3 quý gần đây thì thấy rằng, tăng trưởng kinh tế không tạo ra nhiều việc làm, tỉ lệ lao động làm công hưởng lương giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên.