Cả nước có 74.890 căn nhà công vụ
Cả nước có 74.890 căn nhà công vụ với tổng diện tích là 2.700.289 m2 sàn nhà; việc quản lý vận hành nhà ở công vụ đảm bảo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế.
Tiết kiệm được 83 nghìn tỷ đồng
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng nay (23/5), Quốc hội sẽ tiến hành phiên thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội về công tác trong năm 2023.
Theo ông Phớc, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 thực hiện đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2% so dự toán). Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH
Mức chi NSNN năm 2023 ước đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ cũng cho rằng, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2023, đã cập nhật 2,23 triệu tài sản với nguyên giá là 2,3 triệu tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt 183.044 cơ sở (đạt 69,8%); tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Chính phủ cho rằng, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, còn 91/115 bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân lũy kế 13 tháng thấp hơn bình quân cả nước.
Đồng thời, trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ: Cả nước có 74.890 căn nhà công vụ với tổng diện tích là 2.700.289 m2 sàn nhà; việc quản lý vận hành nhà ở công vụ đảm bảo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế.
Chỉ thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp, thu về 24 tỷ đồng
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.
Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm. Trong năm 2023, chỉ tiến hành thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp, thu về 24 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 7 doanh nghiệp thu về 206,3 tỷ đồng.
"Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý", ông Mạnh nêu.
UBTCNS đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo đề xuất, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an đều được bố trí cho thuê nhà ở công vụ có diện tích đất khuôn viên đến 500 m2, kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất là 350 triệu đồng.