Cá nhám voi nặng 1 tấn bị xẻ thịt: Cơ quan quản lý nói gì?

Sự kiện: Tin nóng Thanh Hóa

Ngư dân Thanh Hóa nói, con cá đã chết và mắc vào lưới rồi mới được đưa lên thuyền, mang vào bờ xẻ thịt và mang đi nghiền bột cá.

Cá nhám voi nặng 1 tấn bị xẻ thịt: Cơ quan quản lý nói gì? - 1

Con cá nhám voi nặng khoảng 1 tấn bị ngư dân ở Thanh Hóa xẻ thịt. Ảnh NLĐ.

Liên quan đến vụ việc, ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) xẻ thịt một con cá “khủng” nặng khoảng 1 tấn, ngày 15/5, một cán bộ Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, sau khi vào cuộc, cơ quan chuyên môn xác định đây là loài cá nhám voi, tên khoa học là Rhincodon typus.

Cá nhám voi nằm trong Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Loài cá này cũng nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES, cần kiểm soát chặt chẽ hành vi khai thác, buôn bán.

Trả lời về việc ông T.T.T.  (ngư dân Thanh Hóa xẻ thịt con cá) báo cáo, con cá đã chết và mắc vào lưới rồi mới được ông này đưa lên thuyền, mang vào bờ xẻ thịt, vị cán bộ chia sẻ: “Nếu không chứng minh được hành vi khai thác thì không xử lý hành vi khai thác. Tuy nhiên, có thể xử phạt hành chính hành vi chế biến vì đã có hình ảnh xẻ thịt trên bờ”.

Về quy định xử phạt, cán bộ Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục thủy sản) cho hay, hiện nay đang có “khoảng trống” trong các quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực này.

Theo vị cán bộ này, như trước đây thì có thể xử phạt hành vi này theo Điều 7 của Nghị định 103/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (mức EN) với mức phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng. Tuy nhiên, do Nghị định 103/2013 đã được sửa đổi nên không thể áp dụng.

Hiện nay có Nghị định 35/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sở dĩ, có thể áp dụng Nghị định này vì cá nhám voi nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES. Thế nhưng, Nghị định này phải đến 10/6/2019 mới có hiệu lực.

Tại Khoản 4, Điều 6 của Nghị định 35/2019 quy định hành vi vi phạm đối với động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, IIB hoặc động vật hoang dã thuộc Phụ lục I, II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, thì áp dụng xử lý như động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

“Chúng tôi sẽ tham vấn Vụ pháp chế rồi sau đó sẽ có văn bản hướng dẫn Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa để có căn cứ xử lý”, vị cán bộ chia sẻ.

Trước đó, chiều 5/5, tàu cá của gia đình ông T.T.T đang đánh bắt ở vùng biển Tĩnh Gia thì phát hiện một con cá lớn đã chết mắc vào lưới. Sau đó, gia đình ông đưa cá thể cá trên lên tàu, rồi đưa vào bờ ở huyện Tĩnh Gia. Từ đây, chủ tàu chở cá thể cá trên về Cảng Hới phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) bằng ô tô để cắt khúc.

Sau khi cá được cắt khúc, do không có ai mua, toàn bộ số cá được gia đình ông Thiệu gom lại đưa lên xe chở đến một cơ sở nghiền bột cá để làm thức ăn gia súc.

Thực hư việc ngư dân Sầm Sơn xẻ thịt cá voi nhám quý hiếm nặng gần 1 tấn

Đoạn video clip kèm theo hình ảnh việc người dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) xẻ thịt 1 con cá có nền da giống cá mập nhám (có người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN