Cả nhà làm quan theo... đúng quy trình (!)
Sau huyện Mỹ Đức (Hà Nội), dư luận lại hoài nghi về việc bổ nhiệm nhiều người trong một gia đình giữ nhiều chức vụ quan trọng tại huyện An Dương (Hải Phòng).
Dư luận tại huyện An Dương, TP Hải Phòng gần đây bàn tán về việc gia đình ông Nguyễn Thế Sơn - Ủy viên Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Dương - có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo huyện này.
“Uy tín cao”, là “điểm sáng” (!)
Xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 9-1, ông Cao Xuân Liên, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng, cho biết ông Nguyễn Thế Sơn có 4 anh em ruột và nhiều con, cháu đang nắm giữ các vị trí quan trọng. Ông Liên cho rằng đây chỉ là... ngẫu nhiên (!?). “Trường hợp ông Sơn thì thuộc Thành ủy Hải Phòng quản lý. Quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm rất bình thường, đúng quy trình” - ông Liên nói.
Anh ruột của ông Sơn - ông Nguyễn Thế Son - hiện là Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch. Em ruột ông Sơn là Nguyễn Thế Hùng, cũng là Huyện ủy viên, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy. Em gái của ông Sơn là Nguyễn Thị Thu Hương hiện là Phó Phòng Nội vụ UBND huyện.
Ngoài ra, trong gia đình quyền thế này còn có ông Nguyễn Thế Đức (con trai ông Nguyễn Thế Son) đang là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên huyện An Dương. Cùng với đó, vợ ông Đức là Phạm Thị Như, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện An Dương.
Trụ sở UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng, nơi nhiều người trong gia đình ông Nguyễn Thế Sơn giữ các chức vụ quan trọng
Trước dư luận về việc trên, ông Nguyễn Văn Hoàn, Bí thư Huyện ủy An Dương, khẳng định gia đình ông Nguyễn Thế Sơn có nhiều người “làm quan” không vi phạm những gì luật cấm, không vi phạm quy định về mặt Đảng.
“Tất cả các trường hợp trong gia đình ông Sơn không phải bây giờ mới làm hoặc kéo từ chỗ nọ, chỗ kia về mà công tác tại huyện từ lâu và có quá trình phấn đấu, trưởng thành; tiêu chí, tiêu chuẩn đều bảo đảm. Các vị trí được làm theo quy trình chặt chẽ, uy tín, tín nhiệm rất cao” - ông Hoàn khẳng định.
Bí thư Huyện ủy An Dương cho biết thêm vào thời ông Nguyễn Thế Sơn làm Phó Chủ tịch UBND huyện, những trì trệ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng được giải quyết hiệu quả, được TP đánh giá là điểm sáng.
Cùng thăng tiến
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Dương, ông Nguyễn Thế Sơn đã từng làm tổ trưởng dân phố ở thị trấn An Dương (thuộc huyện An Dương). Sau đó, ông phấn đấu dần thành cán bộ địa chính, rồi Phó Chủ tịch UBND thị trấn. Năm 2008, ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng Huyện ủy An Dương, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bản. Đến năm 2014, ông được bổ nhiệm giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàn, trong thời gian giữ chức vụ Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Thế Son luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện An Dương nhiều năm liền là lá cờ đầu của Hải Phòng.
Trước đó, ông Nguyễn Thế Son từng làm việc tại Phòng Công Thương huyện, rồi Phó Giám đốc ban quản lý dự án huyện và là Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch từ 10 năm nay.
Còn trường hợp ông Nguyễn Thế Hùng, trước khi trở thành công chức của huyện, là người điều hành Công ty TNHH Đức Huy - đơn vị đã trúng thầu thi công nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách tại huyện An Dương. Năm 2007, ông Hùng được tuyển dụng về Phòng Công Thương huyện. Năm 2010, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy và nay là Huyện ủy viên, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy An Dương.
Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Hương, trước khi về Phòng Nội vụ UBND huyện, bà là một tiểu thương. Năm 2007, bà được tuyển dụng vào Phòng Nội vụ huyện An Dương khi chưa có bằng ĐH. Năm 2013, bà Hương học xong ĐH tại chức và được bổ nhiệm làm Phó Phòng Nội vụ huyện cho đến nay!
Mỹ Đức: Mọi việc vẫn như cũ Về việc nhiều người trong một họ hàng làm cán bộ chủ chốt tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), ông Lê Văn Sang - Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức - cho biết sau khi Thành ủy Hà Nội kiểm tra và kiểm điểm từ tháng 9-2015, đến nay mọi việc không có gì thay đổi. UBND huyện đang tập trung vào những công việc cuối năm và chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương đầu Xuân 2016. Theo ông Sang, các cán bộ ở Mỹ Đức được bổ nhiệm đúng quy trình, sau khi bổ nhiệm đều phát huy tốt năng lực. Bản thân ông Sang cũng có mấy chục năm làm việc ở huyện, được bố trí qua nhiều chức vụ chứ không thể chi phối được việc bổ nhiệm cán bộ. Đối với 6 trường hợp được biệt phái từ Ban Quản lý di tích Hương Sơn về các cơ quan của huyện, hiện đã điều động 5 cán bộ trở về đơn vị cũ công tác ngay sau khi có thông tin phản ánh. N.Quyết |
10 người anh em, bà con làm cán bộ xã Tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, hầu như các cán bộ chủ chốt của xã đều là họ hàng thân thuộc trong gia đình ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn và ông Trương Văn An, Bí thư Đảng ủy xã. Cụ thể, ông Lê Văn Đoài, Phó Chủ tịch HĐND; ông Đinh Văn Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Đinh Văn Hải, xã đội trưởng; ông Trương Minh Tuấn, cán bộ địa chính - xây dựng và bà Trương Thị Phòng, Chủ tịch Hội Phụ nữ - đều là người nhà ông Lê Văn Thanh. Ông Trương Văn Trị, Trưởng Công an xã; bà Trương Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân; ông Vi Văn Thắng, cán bộ tư pháp - thì là bà con, họ hàng với ông Trương Văn An. Về các trường hợp “bất thường” này, ông Nguyễn Công Kích, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Hợp, cho biết: Huyện ủy, UBND đã kiểm tra và thấy việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại xã Hạ Sơn đúng quy trình. Hạ Sơn là xã vùng sâu ở miền núi, cả xã có 2-3 dòng họ nên cán bộ rất dễ là anh em, người nhà với nhau. Tuy nhiên, việc một xã mà có tới 10 người có quan hệ anh em, bà con với nhau cùng làm việc thì khó tránh khỏi dị nghị, phe nhóm. Sắp tới, UBND huyện sẽ luân chuyển cán bộ tư pháp, địa chính... sang công tác ở đơn vị khác. Đ.Ngọc |
Qua ruộng dưa chớ cột giày Câu chuyện “cả họ làm quan” ở xứ ta không mới vì đã phổ biến ở khá nhiều địa phương. Tất nhiên khó mà quy kết việc bổ nhiệm người nhà làm cán bộ là đúng hay sai nếu cơ quan chức năng chưa kiểm tra cặn kẽ. Vậy thì tại sao dư luận luôn cảnh giác với tình trạng này? Người dân luôn nghi ngại cán bộ địa phương cùng họ hàng? Không phải bây giờ, mà ngay từ thời Lý - Trần đã có những quy định để tránh. Người làm quan đầu tỉnh không được bổ nhiệm tại quê quán của mình. Nguyên do chính là để tránh tình trạng cất nhắc con cháu, người họ hàng cùng làm quan. Thứ đến là khi xử lý vụ việc địa phương không phải bị khó xử nếu va chạm với người cùng họ hàng. Quan trọng hơn, nếu cất nhắc nhiều người cùng họ hàng làm quan thì cơ chế kiểm tra, xử lý để ngăn ngừa tham ô, lạm quyền... dễ bị triệt tiêu. Hiện nay, chúng ta đang đề cao phòng chống tham nhũng, ngăn ngừa hành vi lạm quyền, trục lợi của cán bộ thì câu chuyện cả họ làm quan cần phải được đề cao cảnh giác hơn. “Một người làm quan cả họ được nhờ” - là câu nói đầy ẩn ý của người xưa mà đến nay ít ai nghi ngờ tính xác thực của nó. Cán bộ “chạy” ghế, đầu cơ vị trí, “cài” người nhà vào bộ máy chính quyền địa phương đã là... “chuyện thường ngày ở huyện” trong mắt người dân. Sự kín kẽ của cái gọi là quy trình sẽ làm người dân không thể chỉ mặt đặt tên, tố cáo cho rõ ràng nhưng chắc chắn họ thấy và không tin tưởng vào những cán bộ này. Xét cho cùng, làm cán bộ chính là để phục vụ người dân. Nếu người dân đã không tin tưởng, nghi ngại vấn đề cả họ làm quan thì bản thân cán bộ hãy sòng phẳng, đừng để xảy ra tình trạng này. Người xưa có câu nói: “Qua vườn lý đừng sửa mũ, qua ruộng dưa chớ cột giày”. Nếu thanh bạch, trong sáng thì đừng làm gì để người khác phải nghi ngờ. Nếu đủ năng lực thì có thể ứng cử vào bất cứ địa phương nào chứ việc gì phải tập trung vào một chỗ?! Phạm Hồ |