Cả nhà làm “quan huyện” Kim Thành: Người trong cuộc nói gì?
Lãnh đạo Huyện ủy Kim Thành khẳng định, tất cả các trường hợp được điều động, bổ nhiệm đều có sự nỗ lực phấn đấu để vươn lên, được ghi nhận chứ không có sự ưu ái nào.
Khuôn viên trụ sở Huyện ủy Kim Thành
“Đi từ mặt đất đi lên, không có bợ đỡ”
Trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Sang, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Thành cho biết: “Đối với bản thân tôi, tôi khẳng định mình đi từ mặt đất đi lên, đi lên bằng đôi chân, bằng cái đầu của mình chứ không phải dựa vào bố tôi, vì khi tôi còn làm lính thì bố tôi đã mất rồi”.
Ông Sang cho biết, sau khi tách huyện năm 1997 thì được đề bạt là Trưởng phòng Tư pháp huyện Kim Thành, tham gia cấp ủy từ năm đó. Năm 2001, ông làm Chánh Thanh tra huyện. Tháng 12/2004, ông được bổ sung vào Ban thường vụ Huyện ủy. Tháng 1/2005, được điều động sang làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đến năm 2008 được điều động, bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Kim Thành. Tháng 7/2015, được bổ nhiệm làm Phó bí thư Thường trực Huyện ủy cho đến nay.
Con trai ông Sang là Lê Ngọc Dũng (SN 1982, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tài chính huyện) đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân. Năm 2004, ông Dũng ra trường và thi tuyển vào công chức, làm chuyên viên của Ban Tổ chức Huyện ủy một thời gian, sau đó làm Phó bí thư Huyện đoàn. Nhiệm kỳ Đại hội 2005, lúc bấy giờ được cơ cấu đoàn viên thanh niên, cán bộ đoàn trẻ nên ông Dũng được đưa vào danh sách bầu BCH và trúng cử. “Lúc bấy giờ tôi đang làm Phó chủ tịch huyện, Ban thường vụ Huyện ủy cân nhắc chọn cả huyện không có ai đúng ngành nghề như cháu Dũng (ĐH Kinh tế quốc dân, Khoa Kinh tế kế hoạch), nên Ban Thường vụ Huyện ủy cân nhắc chọn đưa sang làm. Nếu nói về lớp trẻ thì không ai đào tạo bài bản như cháu”, ông Sang nói.
Cũng theo ông Sang, con dâu ông (là vợ ông Dũng - PV) đã từng thi tuyển vào công chức ngành Bảo hiểm. Con dâu ông cũng được đào tạo chính quy, cùng học thạc sĩ và cao cấp chính trị như con trai ông, tức là được đào tạo rất bài bản nên việc được bổ nhiệm làm Phó giám đốc BHXH cũng là bình thường.
Tiếp đến, ông Sang cho biết, em trai ông là Lê Văn Vịnh (SN 1966) công tác tại Chi cục Thuế từ năm 1990 và được đề bạt làm Phó chi cục trưởng được khoảng 7 năm.
“Đảm bảo đủ tiêu chuẩn, bổ nhiệm đúng quy trình”
Liên quan đến trường hợp Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tiến, ông Sang cho biết, năm 1988, ông Tiến chuyển ngành Công an về huyện, làm cán bộ Công ty Thương nghiệp của huyện Kinh Môn, rồi làm cán bộ văn phòng, thư ký HĐND huyện Kinh Môn, sau đó đi học Trường Nguyễn Ái Quốc ở T.Ư. Năm 1997, ông Tiến được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, sau đó làm Trưởng phòng Kế hoạch, rồi Trưởng phòng LĐ-TB&XH. Đến năm 2006, ông Tiến làm Phó chủ tịch UBND huyện. Năm 2008 làm Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, 2 năm sau làm Chủ tịch UBND huyện và từ tháng 7/2015 đến nay, ông Tiến làm Bí thư Huyện ủy.
Em trai ông Tiến là Nguyễn Hữu Hưng (SN 1968), trước đi bộ đội rồi chuyển ngành về Công ty giày da Hải Dương, sau đó chuyển về Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Thành, rồi về làm chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Kim Thành. Ông Hưng sau đó được đề bạt làm Phó phòng Tư pháp, rồi Phó chánh Thanh tra huyện, một thời gian sau thì làm Trưởng phòng LĐ-TB&XH của huyện từ năm 2010. Đến tháng 6/2016, được cơ cấu và bổ nhiệm làm Phó chủ tịch huyện cho đến nay.
Anh trai ông Tiến là ông Nguyễn Hữu Hưởng (SN 1958) thực chất làm cán bộ Chi cục Thuế chứ không phải lãnh đạo như dư luận phản ánh. Tiếp đến, em rể ông Tiến là ông Nguyễn Hồng Cương (SN 1960), trước đây là giảng viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, sau chuyển ngành về huyện năm 1989 làm chuyên viên cán bộ của Ban Tổ chức Huyện ủy. Năm 2002, ông Cương được bầu vào cấp ủy và năm 2006 làm Phó ban Tổ chức Huyện ủy. Đến năm 2009, bổ sung vào Thường vụ Huyện ủy làm Trưởng ban Dân vận. Tháng 11/2015, làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho đến nay.
Trường hợp con trai ông Cương là Nguyễn Đức Trọng (SN 1989), đã tốt nghiệp Học viện Tài chính, sau đó trúng tuyển vào Ngân hàng Cổ phần An Bình, làm việc ở Hải Phòng. Năm 2013, có đợt thi tuyển công chức của khối chính quyền do tỉnh tổ chức nên con trai ông Cương đã thi và trúng tuyển, làm chuyên viên của cơ quan Thanh tra huyện cho đến nay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hồng Cương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kim Thành khẳng định, tất cả các trường hợp trên được điều động, bổ nhiệm đều có sự nỗ lực phấn đấu để vươn lên, được ghi nhận. Còn việc bổ nhiệm được thực hiện theo đúng quy định về quy trình bổ nhiệm, từ quy hoạch, rà soát đánh giá quy hoạch, tập thể giới thiệu, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.
Trước câu hỏi của PV về việc lâu nay vấn đề bổ nhiệm nhiều người một nhà làm lãnh đạo ở cùng một địa phương đã gây dư luận không tốt, tại sao con em lãnh đạo có đủ điều kiện hay trình độ không bố trí đi nơi khác mà cứ phải tập trung hết vào một huyện, gây bức xúc trong nhân dân, ông Lê Ngọc Sang cho rằng, cái gì cũng phải có căn nguyên: “Việc tôi kế nhiệm cha, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành để có được ngày hôm là nỗ lực rất lớn của bản thân. Còn chuyện con cháu học tập xong không muốn đi xa, muốn về quê hương để công tác gần gia đình, bố mẹ cũng là lẽ tự nhiên, và con cái tôi cũng phải rèn luyện, phấn đấu rất nghiêm túc”, ông Sang nói và cho rằng nếu bổ nhiệm ở huyện khác thì lại xa gia đình, trong khi các con lại muốn được gần bố mẹ và đóng góp cho quê hương.
“Gia đình Bí thư Nguyễn Hữu Tiến cũng thế, cũng là “đội đất đi lên”, bôn ba khắp nơi rồi đi lên chứ không phải tự nhiên ngồi được vào ghế ấy”, ông Sang nói thêm.
Ngay sau khi kỳ 1 của bài viết “Hải Dương: Cả nhà làm “quan huyện” Kim Thành” đăng tải, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét, thống kê lại, nếu cần thiết sẽ rà soát và kiểm tra lại quy trình làm rõ đúng - sai thế nào. Ông Hiển cho biết, hiện nay tỉnh đang xin ý kiến tham mưu về việc này và dự kiến sẽ có cuộc họp vào cuối tuần này để bàn bạc cụ thể. “Quan điểm của tỉnh là phải theo đúng quy định, cái gì chưa chuẩn thì phải xem xét để điều chỉnh, đưa vào uốn nắn cho chuẩn”, ông Hiển nói. Ông Lê Ngọc Sang cho rằng, phải sòng phẳng về mặt quan điểm: “Muốn gì thì gì, con em mình phải giỏi hơn người khác mới được đề bạt, không thì sẽ không đề bạt. Nếu nó giỏi hơn, được tín nhiệm hơn người khác thì không có lý do gì mà loại bỏ nó ra. Không phải tôi không ý thức được dư luận về việc “một người làm quan cả họ được nhờ”, con mắt nhân gian bao giờ cũng để ý vào điều đó, nhưng cũng phải sòng phẳng với xã hội rằng, con người mình rèn luyện, đi lên bằng đầu óc, trí tuệ mình”. |