Cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm quan

Sự kiện: Thời sự Hà Giang

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định việc bổ nhiệm vợ, con, em trai, em rể… của ông làm lãnh đạo ở các sở, ngành là đúng quy trình (!?)

Dư luận đang xôn xao trước thông tin ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, có vợ, em trai, em gái và một số người thân được cất nhắc, nắm giữ một số vị trí lãnh đạo cơ quan, ban - ngành tại tỉnh Hà Giang.

Không cảm thấy vui

Cụ thể, theo thông tin lan truyền trên mạng, bà Phạm Thị Hà, vợ ông Vinh, đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang. Ba em trai ông Vinh cũng được bố trí làm lãnh đạo gồm: ông Triệu Tài Phong, Bí thư huyện ủy Quang Bình; ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; ông Triệu Tài Tân, Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông. Em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang cũng đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Mạc Văn Cường, em rể ông Vinh, làm Phó Giám đốc Công an TP Hà Giang… Ngoài ra, còn một số chức danh lãnh đạo khác là anh em họ hàng với ông Vinh.

Ngày 17-9, trao đổi với báo chí, ông Triệu Tài Vinh thừa nhận một số mối quan hệ của ông với lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của tỉnh là chính xác. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định việc bổ nhiệm các chức vụ nêu trên đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, nhà nước.

Cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm quan - 1

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (thứ hai từ trái sang). Ảnh: PHI ANH

Vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trần tình ông không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo. Nhiều lần ông từ chối việc bổ nhiệm, bầu người thân làm cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh (!?).

Ông Vinh cho biết sự việc này đã được các cơ quan chức năng của trung ương vào cuộc kiểm tra và có kết luận. Theo đó, đầu tháng 5 vừa qua, sau khi kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận việc bổ nhiệm cán bộ của tỉnh là đúng quy trình.

Bị “ép” làm lãnh đạo?

Theo ông Triệu Tài Vinh, rất nhiều vị trí lãnh đạo của người thân ông không muốn song đều không chối từ được. Ví dụ năm 2006, vợ ông là bà Phạm Thị Hà được đề xuất bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang nhưng ông không đồng ý. Đến năm 2009, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang lúc bấy giờ đã đưa ra đề nghị, trình bổ nhiệm vợ ông làm phó giám đốc sở này nhưng vợ chồng ông đến tận nhà vị giám đốc này… xin không nhận nhiệm vụ. Đến năm 2013, vợ ông lại “bị trình lên”, đúng vào thời điểm khó khăn về nhân sự nên đành phải nhận.

Đối với ông Triệu Tài Phong, năm 2007, khi đang là Phó Giám đốc Đài Truyền hình tỉnh Hà Giang thì được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, giữ chức này tới năm 2011. Năm 2012, Bí thư Huyện ủy Quang Bình được điều động lên tỉnh nên huyện Quang Bình và trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy có đề xuất ông Phong lên chức Bí thư huyện. Ông Vinh cũng đã không đồng ý đề xuất em mình làm bí thư vì ông Phong được điều động làm phó chủ tịch UBND huyện mới 1 năm, không thể làm bí thư huyện ủy ngay được. Sau đó, có một người khác lên làm bí thư huyện Quang Bình. Năm 2014, khi vị bí thư này luân chuyển công tác thì em trai ông Vinh thế chỗ.

Đối với trường hợp ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì, một phần là do người Dao đông nên cơ cấu cán bộ lãnh đạo huyện bao giờ cũng phải có người Dao để bảo đảm cân bằng và dân vận cho tốt. Trước ông Triệu Sơn An có một cán bộ xã thuộc huyện Hoàng Su Phì được luân chuyển lên huyện có thể đảm nhận chức vụ phó chủ tịch huyện được nhưng người này chưa học chính trị nên ông Triệu Tài Vinh đành… bổ nhiệm ông An.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quyết Nguyễn (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN