Ca nghi nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng: Bộ Y tế có động thái chưa từng có
Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng.
Ngày 24/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Liên quan đến ca nghi mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về 1 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở TP. Đà Nẵng, Bộ Y tế xác định đây là trường hợp có khả năng nhiễm rất cao và triển khai ngay tất cả các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin về những biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai. (Ảnh: Đình Nam).
Cụ thể, Bộ Y tế đã yêu cầu và TP. Đà Nẵng đã lập toàn bộ danh sách những người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm. Trong đêm 23/7, TP. Đà Nẵng đã xét nghiệm tất cả các trường hợp này bằng phương pháp RT-PCR và tìm kháng thể. Kết quả đều âm tính. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly toàn bộ những trường hợp này để bảo đảm an toàn với cộng đồng. Những nơi bệnh nhân đi đến đã được khoanh vùng, cách ly. Chiều nay, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác kinh nghiệm nhất hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác cách ly.
Đối với công tác điều trị người nghi nhiễm, bệnh nhân này đang mắc viêm phổi cấp tính có dấu hiệu nặng, diễn biến nhanh, do đó các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho. Một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp cho công tác điều trị.
Đặc biệt, trong đợt này, Bộ Y tế đã thực hiện một biện pháp chưa từng áp dụng là rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng xét nghiệm kháng thể với kit thử do Việt Nam sản xuất bằng máy ELISA. Bộ Y tế cũng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua việc thực hiện quy định đeo khẩu trang để phòng dịch có lơi lỏng, do vậy kể cả trường hợp ca bệnh ở Đà Nẵng không dương tính, thì mọi người phải thực hiện nghiêm quy định khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, đối với trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng cần khẩn trương truy vết, rà soát các trường hợp tiếp xúc để cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng. (Ảnh: Đình Nam).
Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch cho đến ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn. Nhưng “chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt”.
Về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo đã nhận được thông tin và có chỉ đạo ngay từ ngày hôm qua (23/7). Ban Chỉ đạo ghi nhận và biểu dương tinh thần sẵn sàng và phản ứng rất kịp thời, đúng hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền TP. Đà Nẵng. Khi có ca nghi nhiễm chúng ta phải thực hiện các biện pháp như đối với ca nhiễm từ xét nghiệm, cách ly, truy vết những người tiếp xúc gần… Như báo cáo của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trường hợp này cần chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu của Việt Nam là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vì trong quá trình xét nghiệm có một số yếu tố cần phải làm lại.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Dù quả xét nghiệm có âm tính hay dương tính thì chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để dập dịch.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.
“Nếu sẵn sàng và làm đúng các yêu cầu đã được hướng dẫn, tập huấn từ trước đến nay thì cho dù tới đây có thể có những ca nhiễm trong cộng đồng nhưng chúng ta tập trung xử lý gọn ngay từ đầu sẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, đến 12h ngày 24/7, Viện đã có kết quả bước đầu về trường hợp...