Cả làng trị trộm chó bằng dây, gậy, mõ
Nhiều năm qua, mỗi nhà trong làng đều tự trang bị dây, gậy, mõ. Khi người nào phát hiện kẻ gian thì đánh mõ báo hiệu, cả làng đánh theo rồi cùng nhau cầm dây, gậy vây bắt bọn gian.
Ngày 28-8 vừa qua, bà con xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã tóm được hai “cẩu tặc” bằng cách dùng công cụ truyền thống của làng là dây, gậy, mõ.
Hiệu ứng “dây, gậy, mõ”
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Trưởng Công an xã Hành Tín Đông, kể: “Tối 28-8, tui đang trực ban ở văn phòng UBND xã thì điện thoại reo. Qua điện thoại thì được biết bọn trộm chó đang hành sự ở thôn Trường Lệ. Nghe vậy, tức tốc anh em công an, xã đội chạy xe lên liền. Đến đầu thôn Trường Lệ đã nghe tiếng mõ râm ran. Cánh thanh niên trong làng ào ra với tay dây, tay gậy.
Hai nghi can trộm chó là Hồ Văn Cường và Nguyễn Tấn Hiền ngụ xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ đi trên xe máy, thấy anh em truy đuổi đã bỏ lại ba con chó còn nguyên cả dây tróng (sợi dây thắt thòng lọng), chạy về phía đèo Đá Chát.
Nhưng rồi nghe tiếng mõ lan truyền, cánh trai làng cầm gậy, dây xông ra ngăn cản. Hai tên trộm chó quay xe tháo chạy về hướng trung tâm xã. Khi thấy chúng tôi ào lên, tên ngồi sau tung ớt bột, rồi lấy ná bắn hòng chạy thoát. Nhưng rồi chúng đành thúc thủ trước sự đồng tâm hiệp lực của dân làng”.
Ông Trần Trọng Tài, Trưởng thôn Trường Lệ, cười xòa, đưa cây gậy dài chừng 1,2 m, một đoạn dây dài 3 m và một chiếc mõ làm bằng tre cho tôi xem, rồi nói: “ Đó, vũ khí của người làng đó, để tuyên chiến với nạn trộm cắp, đặc biệt là trộm chó. Chỉ cần tiếng mõ vang lên dồn dập là bà con biết liền”.
Khôi phục mõ tre thời kháng chiến
Hành Tín Đông giáp ranh hai huyện Ba Tơ và Đức Phổ. Những năm gần đây, khi ở Quảng Ngãi có những chuyến xe hàng vận chuyển chó ra Bắc vào Nam thì cũng là lúc ở xã này đêm đêm xuất hiện bọn trộm chó ở xã khác đến bắt trộm chó. Lệ thường, bọn trộm chó sử dụng hai xe máy. Hai tên trộm đi xe trước thường nẹt ga để lũ chó trong nhà dân hai bên đường nghe động, nhảy xồ ra sủa. Chỉ cần như thế là hai tên trộm trên chiếc xe máy đi sau tung tróng bắt gọn. Có thời điểm một đêm cả xã mất chục con chó.
Một cảnh diễn tập bắt trộm chó ở xã Hành Tín Đông. Ảnh: BÁO QUẢNG NGÃI
Ông Trần Trọng Tài, Trưởng thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi dùng mõ tre báo hiệu. Ảnh: VÕ QUÝ
Người làng nổi giận, nghe có tiếng xe nẹt pô là vác gậy ra đường. Nhưng các nhóm trộm chó ngày càng lì lợm. Chúng đưa cả mã tấu ra hù dọa, dùng đèn pin cực mạnh làm lóa mắt người dân. Ông Huỳnh Tráng ở thôn Trường Lệ nghe chó nhà mình kêu ẳng một tiếng, vội mở cửa ra thì bị bọn “cẩu tặc” lấy đá ném vào nhà khiến tủ kiếng vỡ toang. Còn bên kia sông thuộc xã Hành Tín Tây, kẻ trộm chó khi phát hiện chủ nhà, chúng lao tới đánh rồi đập đầu gia chủ vào tường nhà làm gia chủ bị thương.
Chuyện mất chó khiến mọi sự ở làng rối như canh hẹ. Người làng không có con vật trung thành theo mình lên rẫy ra nương. Những đứa trẻ mất đi một con vật chúng yêu quý như bạn. Nghiệt nhất là đêm về làng trở nên im ắng lạ thường. Một số kẻ gian nơi xóm thôn thấy nhà mất chó lại nảy sinh trộm cắp.
Chẳng lẽ nạn “cẩu tặc” hoành hành mãi sao? Ban công an xã đã nhiều lần họp phát động toàn dân tham gia chống nạn trộm chó nhưng chưa có biện pháp cụ thể nên phát động cũng dừng lại ở phát động mà thôi. Trong khi đó, từng đêm về, nhà nhà lại mất chó. Có người bực mình rằng nuôi chó là để giữ nhà. Giờ lại quay sang nhốt chó trong nhà để giữ thì còn ra thể thống gì nữa.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, những người già ở thôn Trường Lệ đề xuất phục hồi chiếc mõ tre thời kháng chiến chín năm chống Pháp làm hiệu lệnh và mỗi nhà nên tự trang bị một cây gậy, một đoạn dây để cùng bắt kẻ gian. Nghe chuyện này, cánh thanh niên trong xã bật cười, nói: Thế kỷ 21 rồi mà còn đề nghị phục hồi món dây, gậy, mõ nghe quê mùa quá. Có việc gì động tĩnh thì dùng cái “a lô” gọi báo là được mà.
Thế nhưng khi lâm trận, điện thoại trở nên chậm chạp và cánh trung niên, người già mắt kém cũng không thể gọi nhanh được. Vả lại vùng quê, nhà dân có xóm thưa thớt, khi xảy ra trộm dùng tiếng mõ báo cho nhau vẫn khí thế hơn. Thế là nhà nhà thống nhất sử dụng mõ tre, dây và gậy.
Diễn tập chống “cẩu tặc”
Ông Trịnh Bê, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho hay: “Chuyện làm dây, gậy, mõ được người làng thống nhất cách nay đã ba năm. Hồi tháng 6-2012, một cuộc diễn tập chống bắt trộm chó được diễn ra ở xã”.
Những nhân vật đóng vai “cẩu tặc” chạy xe trên đường. Bà con đánh mõ, cánh thanh niên trai tráng trong làng phối hợp với công an thôn, công an xã đổ xô ra đường dùng dây, gậy để khống chế rồi đưa về giao cho chính quyền xử lý.
Trưởng thôn Trường Lệ, ông Trần Trọng Tài, kể: Sau diễn tập được mấy hôm, bọn trộm chó lại vào xã. Bà con đồng loạt gõ mõ rồi cánh thanh niên cầm dây, gậy lao ra đường cùng dân quân vây bắt. Bọn trộm chó thấy anh em xông ra đường, chúng đành bỏ xe máy, chạy vòng lên núi thoát thân. Lực lượng truy bắt thu một chiếc xe máy đem nộp cho công an huyện.
Ông Trần Văn Đức, Trưởng thôn Thiên Xuân: Thấy vùng Trường Lệ tóm nhiều kẻ trộm chó, anh em xã Thiên Xuân (giáp với xã Hành Thiện) cũng kêu gọi bà con cảnh giác. Rồi sau đó, bọn trộm chó phía Hành Thiện mò lên. Bà con đánh mõ và trai làng cầm gậy, dây xông đến. Chúng vung mã tấu lên sáng lòe. Nhưng cánh trai làng đã phối hợp dân quân khống chế được chúng. Cũng qua vụ này, xã họp dân tổ chức rút kinh nghiệm là khi phát hiện kẻ trộm chó dùng hung khí cần phải đề phòng. Khi khống chế được chúng phải giao ngay cho lực lượng công an xử lý, tuyệt đối không được tự ý manh động trừng phạt người trộm chó. Cũng từ đó, làng “dây, gậy, mõ” được bình yên hơn. ______________________________________ Thấy hai thằng nẹt pô, tưởng mấy đứa thanh niên đi đường nghịch ngợm trêu chó. Nào ngờ, con chó trong nhà mới chạy ra ngoài đường là chúng tung tróng nên chỉ nghe tiếng ẹc như nghẹt thở, rồi con chó bị lôi đi. Tui thấy vậy, kêu la. Bà con chòm xóm biết ngay là có bọn trộm chó xâm nhập vô làng nên đồng thanh đánh mõ. Nghe tiếng mõ liên hồi dồn dập, đàn ông, trai tráng trong làng cầm dây, gậy đổ ra đường thi gan với bọn chúng. Bọn trộm hoảng sợ, thả ba con chó ra, trong đó có con chó của nhà tui. Bà Ngô Thị Hiệp, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi |