Cả làng lo tang người 'chịu tang cả làng'

“Chưa thấy “gã khùng” nào mất mà tràn thông tin trên mạng đến thế. Lúc mới có một vài dòng thông báo ông về trời trên Facebook, những người ở Đà Nẵng, Đồng Nai, TPHCM, thậm chí ở nước ngoài cũng nghẹn ngào đau xót”.

“Gã khùng” mà ông Trần Chương (xã Cẩm Kim, TP Hội An) nhắc tới là ông Nguyễn Hùng (63 tuổi, thôn Hà Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), thường được làng trên xóm dưới gọi là “Hùng khùng”. Bà con không nhớ nổi ông đã đội mấy ngàn cái tang trên đầu…

Ông Hùng (cầm đuốc) trong một lần đưa tang Cấn tang quanh năm

Ông Hùng (cầm đuốc) trong một lần đưa tang Cấn tang quanh năm

Về Duy Vinh, hỏi ông Hùng “khùng” ai cũng biết. Ông “không bình thường” từ nhỏ, lại mắc chứng động kinh. Ba mẹ mất, ông ở với người em gái. Nhưng nhà như cái nhà trọ, chỉ khi ngớt “việc làng” mới tạt về ăn ngủ. Dân làng có câu: “Ăn được ngủ được là tiên/Không ăn, mất ngủ Hùng Niên tới nhà (Niên là tên của ba ông)”, ấy là nói về việc chính của ông: lo tang. Hễ nghe đâu có người mất là ông cuốc bộ tới. Mà cũng thật lạ, miệng ú ớ, chẳng mấy khi trò chuyện với ai nhưng chẳng hiểu sao người mất ở làng trên xóm dưới, xa cả mấy cây số ông cũng tài tình biết được.

Bà con kể, có hôm đang ngủ ở nhà người quen, nửa đêm ông bật dậy gấp gáp: “Bà cô Ba chết rồi, tui đi lên lo cho bà cô Ba cái đã”. Quả đúng như thần, sáng hôm sau cả xóm mới biết mà đêm đó ông đã có mặt. Mà phải bà cô Ba nào thân thiết, người phụ nữ lạ hoắc cách đó gần 5 cây số. Chẳng ai lý giải được là ông tiên tri hay có tâm linh “đưa đường chỉ lối”.

Tới đám nào, ông cũng xin chịu tang. Biết tiếng ông Hùng, chẳng nhà nào từ chối. Ông chịu tang không chỉ quấn một vành khăn trắng trên đầu cho phải lễ, mà “lăn lộn” ở đám từ khi người xấu số nhắm mắt cho đến lúc mồ yên mã đẹp mới chịu về.

“Suốt mấy ngày tang gia, ổng lãnh việc canh quan tài. Đêm tới ổng kêu người nhà mệt thì nằm nghỉ, ổng ngồi tới sáng, hết hương thắp hương, hết nến thắp nến. Ban ngày thì ổng “chạy bàn”, bưng nước, bưng thuốc, rồi đánh trống, đánh chiêng, thấy việc chi cũng lao vô làm. Ổng lúc nào cũng nhận người nằm xuống là ông chú, bà cô, thằng em… của mình. Khùng, mà ôm hết việc nghĩa vô người rứa đó”, ông Vũ Đức Hưng (thôn Hà Nam) nhớ lại.

Bức ảnh ông Hùng lúc còn sống được người dân chụp lại

Bức ảnh ông Hùng lúc còn sống được người dân chụp lại

Dân làng Duy Vinh cũng như Cẩm Kim, hay các xã lân cận ai cũng biết ông “nghiện” cầm đuốc dẫn đường. Tất cả đám ở làng, người cầm đuốc đi đầu đoàn đưa tang chẳng ai khác ngoài Hùng “khùng”. Tục quê, ngọn đuốc ấy, phải chọn người thanh liêm, có tuổi mới được cầm để soi đường phá những u tà dẫn lối cho linh hồn siêu thoát. Vậy mới biết, bà con thương quý ông tới mức nào.

Không ai coi ông “khùng” cả. Trong mấy bức ảnh bà con đưa cho tôi xem, ông vác cây đuốc, đầu quấn khăn tang, mang chiếc áo tuềnh toàng đi hàng đầu. Nếu không hỏi, tôi cũng nghĩ đấy là người thân trong gia quyến. Bà con kể thêm, mấy năm nay ông già yếu đi nên bớt “lăng xăng”, chứ ngày trước, còn mạnh, ông “quần” miết ngoài mộ, hết gánh nước, bưng gạch xây mả đến dọn dẹp, đốt lửa... Phải đến khi mồ yên mã đẹp mới chịu về.

Bà Nguyễn Thị Hải, em gái ông nhẩm tính một năm ông đội mấy trăm cái tang trên đầu. Bởi không chỉ người ở xã mất mà nghe tin ở tận đẩu tận đâu ông cũng tới. Có ngày chịu tới hai, ba tang. Suốt mấy chục năm qua, ông đã quấn tới hàng ngàn vành khăn trắng trên đầu, thành thử làng trên xóm dưới mới đùa rằng trên đời chỉ mỗi ông Hùng không lấy vợ được vì lúc nào cũng… cấn tang.

Khùng khùng vậy, nhưng có những chuyện ông rất tỉnh. Tới đám tang lăn xả, hết lòng, chỉ ăn mấy bữa cơm gia chủ mời, xong việc là về. Hôm sau mời quay lại cảm tạ nhất quyết không tới.

Ở làng, đố hòng ai “dụ” được ông vào đám giỗ, đám cưới, tiệc tùng, không bao giờ “đụng đũa” vào những nơi ấy. Ông chỉ thích được cho áo quần, nhất là đồ công an, bộ đội, hoặc đồ có nhiều túi để bỏ hộp thuốc, giắt cây bút lên cho…giống cán bộ.

“Ngọn đuốc” vụt tắt, cả làng chung lo

Một ngày giữa tháng bảy nắng chang, ông cầm đuốc đưa người mất ở xã Cẩm Kim ra đồng, chiều cuốc bộ tới thôn Trà Đông (xã Duy Vinh) lo thêm cái tang nữa, trên đoạn đường cách nhà tầm cây số, ông bị té bất tỉnh. Dân làng đưa ông về, bà Hai chăm sóc tới đêm thì ông nhắm mắt. Không ai tin được ông bỏ làng đi đột ngột vậy.

Người dân gần xa tới tiễn biệt ông Hùng Ảnh: Thanh Trần

Người dân gần xa tới tiễn biệt ông Hùng Ảnh: Thanh Trần

Căn nhà cũ kỹ nằm trong xóm nhỏ rền rĩ tiếng nhạc tang. Trên bàn nghi ngút khói hương, di ảnh ông với khuôn mặt vô âu, miệng cười móm mém, khoác trên mình chiếc áo cầu thủ màu tím khiến nhiều người không kìm được nước mắt.

Bà Hai nghèn nghẹn, suốt mấy chục năm qua, người anh như mới lên ba của mình mang chứng động kinh, lâu lâu lại co giật, có bữa giật cắn dập cả môi, té mẻ đầu. Đi lo “chuyện làng chuyện xã” quanh năm, nhưng về nhà em gái vẫn phải chăm chút, tắm rửa, vệ sinh cho ông chẳng khác gì con mọn.

Có đợt “ham việc” quá, ông ở lại nhà người ta mấy ngày liền, bà sợ phiền tới tìm, nhưng gia chủ xua tay, bảo ai chứ ông Hùng tới chỉ có giúp gia quyến thôi. “Ổng ngây ngây dại dại nhưng cái tâm tốt, không tham, không gian nên bà con ai cũng thương. Ổng mất đêm nay, thì sáng mai trời chưa kịp tỏ người ta đã tới chật nhà. Có cả cán bộ xã khác đi ngang nghe tin cũng ghé vô. Thôi thì cuộc đời ổng như vậy là mãn nguyện”, bà bùi ngùi.

Bà con chẳng ai bảo ai, tự kéo tới xắn tay lo tang cho người lâu nay “chịu tang” cả làng. Người lui cui nấu nướng, người dọn dẹp, lo trà nước, tiếp khách… Bà Hai kể thêm gia đình lên ủy ban xã báo tin và xin huyệt, cán bộ xã nằng nặc bảo cứ về đi, xã sẽ tới tận nhà lo lắng mọi chuyện, việc phải làm với một người sống hết lòng như ông Hùng.

Sau giờ khâm liệm, dòng người xóm dưới làng trên, ở huyện khác, ở tận ngoài Đà Nẵng lại nối nhau đổ về xóm nhỏ để chào ông lần cuối. Hình ảnh người đàn ông dáng trùng trục, da đen, hơi gù lui cui thắp nhang, đánh trống, cầm đuốc dẫn đường rồi còng lưng gánh nước xây mồ mả hiện ra trong câu chuyện của mỗi người.

Chị Hồ Thị Hằng (36 tuổi, thôn Hà Nam) không thể nào quên lúc đám tang cha, ông tới lo toan suốt mấy ngày trời, trắng đêm ngồi canh quan tài không chợp mắt. Còn ông Nguyễn Đình Hoàng (xã Cẩm Kim), chẳng bà con thân thích, nghe tin ông mất cũng lật đật tới đây.

Nguồn: [Link nguồn]

Tâm sự những người làm nghề lấy tử thi

Nghề lấy tử thi - một nghề rất đặc biệt. Đội ngũ lấy tử thi có nhiệm vụ nhanh chóng đến hiện trường, mang những thi thể của những người vô danh, những người mất do...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Th.T ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN