Cả làng bắt cá chép đỏ tiễn Táo quân đi chầu
Những ngày sát Tết ông Công, ông Táo, tại làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), người người, nhà nhà tất bật tát ao, bắt cá chép đỏ để làm "phương tiện" cho ông Táo về chầu trời.
Làng Thủy Trầm (Cẩm Khê, Phú Thọ) là làng nuôi cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo lớn nhất miền Bắc
Những ngày này, tại Thủy Trầm, nhà nhà kéo lưới bắt cá từ sáng sớm tới tối mịt
Tại Thủy Trầm có tới hàng chục hộ nuôi cá chép đỏ với sản lượng trên dưới 1 tấn/hộ. Theo anh Linh, chủ hộ nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trần, hộ lớn nhất trong làng có thể xuất tới 3 tấn cá trong những ngày này.
Cá chép đỏ là giống cá Nhật Bản, khá dễ nuôi. Cá chép nuôi tại Thủy Trầm do hợp nước nên đỏ và khỏe hơn cá nơi khác.
Sau những mẻ lưới lớn, cá nhỏ vẫn còn sót lại dưới đáy ao khá nhiều
Không chỉ người lớn, trẻ con cũng dầm mình xuống bùn lạnh để vớt những con cá còn sót lại
Theo anh Dũng, cá chép đỏ bắt đầu được nuôi từ cuối tháng 7, cách nuôi khá đơn giản như hầu hết các loài cá nước ngọt khác
Sau khi kéo lưới, cá chép đỏ được gom vào những lưới quây...
...rồi gom về các bể chứa lớn chờ lái buôn tới "đánh" hàng
1 kg cá chép đỏ (khoảng 40-50 con) được bán ra tại Thủy Trầm có giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng.
Cá chép đỏ được đổ ra rổ lớn trước khi cân
Bơm ô xy vào túi kín để cá không chết trong quá trình vận chuyển
Những thương lái từ các huyện và tỉnh "hàng xóm" cũng đổ về đây mua cá về bán
Anh Hiệp cho biết, những ngày này, dân Thủy Trầm lao động hết công suất. Trung bình mỗi hộ có thể thu về 100 - 200 triệu đồng cho mỗi vụ cá chép đỏ.
Thương lái từ các tỉnh như: Hà Nội, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên dùng ô tô chuyên dụng với bể sục oxy để vận chuyển
Về Thủy Trầm những ngày này, đâu đâu cũng đầy ắp tiếng cười vì cá đánh lên được bao nhiêu đều được thương lái mua hết