Cá Koi Nhật Bản đắt tiền thả xuống Hồ Tây sống ra sao?
Sau khi khu vực thí điểm công nghệ Nano Bioreactor trên sông Tô Lịch bị tháo dỡ, cá Koi Nhật Bản được chuyển về thả xuống khu thí điểm tại Hồ Tây.
Cá Koi và cá chép thả trong khu thí điểm công nghệ Nano Bioreactor trên Hồ Tây. Ảnh chụp sáng 11/2.
Cách đây khoảng hơn 3 tháng (ngày 9/11/2019), sau khi hết hạn thí điểm công nghệ Nano Bioreactor, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch; khu thí điểm tại Hồ Tây được duy trì.
Song song với việc tháo dỡ, đơn vị này đã chuyển hàng trăm con cá Koi Nhật Bản và cá chép Việt Nam trên sông Tô Lịch sang khu thí điểm tại Hồ Tây.
Ngày 11/2/2020, ghi nhận của PV tại khu thí điểm tại Hồ Tây, nước tại đây khá sạch, một số con cá Koi và cá chép nổi lên mặt nước, tụ thành từng đàn.
Đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ Việt Nhật – JVE group (trước đây là Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt), đơn vị liên kết lắp đặt, vận hành công nghệ Nano Bioreactor và thả cá cho biết, hiện đàn cá thả trong khu xử lý bằng công nghệ Nhật Bản vẫn sống rất khỏe mạnh.
“Từ khi được thả xuống khu thí điểm tại Hồ Tây, cá Koi và cá chép Tam Dương sống khỏe, không có hiện tượng cá chết. Đàn cá phát triển tốt”, vị đại diện cho hay.
Thời điểm PV ghi nhận, nhà bảo vệ tại khu thí điểm khóa trái, không có người canh giữ.
Do khu thí điểm đã hoạt động ổn định nên không có bảo vệ trông coi thường xuyên.
Về vấn đề này, đại diện JVE group cho hay: “Hiện nay, do khu thí điểm đã hoạt động ổn định nên bảo vệ không phải trực hằng ngày nữa mà chúng tôi chỉ thuê part-time (bán thời gian). Ngoài ra, công ty vẫn duy trì việc lắp đặt và theo dõi qua camera.
Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật viên của chúng tôi vẫn thường xuyên qua kiểm tra máy móc, đồng thời theo dõi và cho cá ăn”.
Ngày 16/5/2019, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch (300m đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt) bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau 2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuy nhiên, từ 9-12/7, thời điểm gần hết hạn thí điểm xử lý ô nhiễm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả hơn 1 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Việc làm này khách quan và để đảm bảo an toàn cho Thành phố trong mùa mưa, tuy nhiên, nó đã cuốn trôi toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng. Đến ngày 16/7, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc xin lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá, công bố kết quả công nghệ giai đoạn thí điểm thêm 2 tháng. Ngày 16/9, sau tròn 4 tháng thử nghiệm, các đơn vị liên quan đã lấy mẫu nước đồng thời thả cá Koi Nhật Bản và cá chép Việt Nam xuống 2 khu xử lý. Việc thả cá nhằm chứng minh nước sau xử lý đã an toàn, đảm bảo sinh vật như cá phát triển tốt. Thời gian đầu khi mới thả, một vài con cá có hiện tượng ngửa bụng và chết. Tuy nhiên, sau đó, cá dần làm quen với môi trường mới và sinh sống, phát triển bình thường. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trưa 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có chuyến thị sát, đồng thời cho cá ăn tại khu vực...