Cả gia đình thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini, nữ giáo viên bật khóc vì ước mơ của con
Chỉ tay vào bức ảnh hai mẹ con vừa hoàn thiện, con trai của cô Yến nói: “Đây là xe cứu thương, còn đây là xe cứu hỏa. Mẹ ơi, con muốn được làm lính cứu hỏa để cứu người”.
Cô giáo Đặng Thị Hải Yến ôm con trai vào lòng.
May mắn vì cả gia đình còn sống
Bảy giờ tối, cô Đặng Thị Hải Yến (31 tuổi, giáo viên môn Lịch sử trường THPT FPT, Hà Nội) mở cửa bước vào nhà, đưa tay ôm chặt cậu con trai 3 tuổi vào lòng âu yếm.
Cô Yến cùng chồng Hà Trung Đức (31 tuổi) và con trai được cứu sống trong vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra vào đêm 12/9.
Sau vụ cháy kinh hoàng, gia đình cô Yến đã tạm thuê một căn chung cư nhỏ trên địa bàn phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) để sinh sống.
Đến giờ, cô giáo vẫn chưa hết bàng hoàng và sang chấn tâm lý, song điều mà cô cảm thấy may mắn, kỳ diệu nhất chính là cả gia đình còn sống. Cô thầm cảm ơn trời đất vì các thành viên đều may mắn thoát nạn.
Thời điểm xảy ra vụ cháy, cô Yến đang mang thai 12 tuần, sau khi được cứu khỏi đám cháy, vợ chồng cô và con trai bị nhiễm độc do ngạt khí CO, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cấp cứu. Sau đó, cả gia đình được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Sau vụ cháy, gia đình cô Yến thuê tạm căn chung cư để gia đình sinh sống
Nhớ lại phút giây đối mặt với cái chết, cô Yến kể, hơn 23h đêm 12/9, gia đình cô vừa lên giường đi ngủ, anh Đức nghe thấy tiếng kêu cháy ở dưới nên vội vàng chạy xuống.
Đến tầng 6, phát hiện tòa chung cư đang ở xảy ra cháy, anh chạy lên gọi hai mẹ con dậy, lấy khăn nhúng nước rồi đắp lên mũi. Anh dắt cả nhà rời khỏi tầng 8, men theo hành lang ra cầu thang bộ.
Thấy khói đen bốc mạnh phía dưới, phán đoán không thể đi xuống, anh Đức quyết định đưa cả nhà chạy ngược lên tầng thượng.
"Lúc này, lối thang bộ lên sân thượng chen chúc, chồng tôi nghĩ nếu ở ngoài sẽ lạc mất nhau nên quyết định đưa hai mẹ con quay lại nhà và ra ngoài ban công”, cô Yến nói.
Vận dụng kiến thức được tập huấn về kỹ năng phòng cháy, anh Đức lấy chiếc chăn vắt qua dây phơi quần áo làm thành một lều nhỏ, cả nhà chui vào đấy. Bên cạnh, có sẵn vòi nước, anh xịt liên tục để làm ướt chăn.
Nhận thấy có tín hiệu của lực lượng phòng cháy chữa cháy, anh Đức bật đèn flash trên điện thoại ra dấu, liên tục hét lớn “trên tầng 8 có người”, nhờ nhà đối diện gọi cảnh sát phun vòi rồng lên để lấy nước uống. Nước từ dưới ao gần hiện trường vụ cháy được cảnh sát bơm lên dập lửa đã giúp 3 người thoát chết.
“Do hít phải lượng khói lớn nên cổ họng cả gia đình tôi bị khô, nếu không uống nước sẽ bị bỏng hô hấp, phổi bị tổn thương. Lúc đó, không biết nước bẩn hay sạch, miễn có nước là chúng tôi uống liền”, cô Yến kể.
Với lượng oxy ít ỏi và khói đen mỗi lúc một dày đặc trong phòng, đã có lúc gia đình cô Yến cảm thấy tuyệt vọng, nghĩ không thể sống tiếp được nữa, ôm nhau khóc nức nở. Đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, chồng cô Yến lại động viên cả nhà cùng nhau cố gắng vượt qua. Lúc này, cô giáo chỉ ước “mong trời mau sáng để có người tìm thấy mình”.
Cô Yến bật khóc khi nhắc lại vụ cháy
Một khoảnh khắc khiến cô Yến bị ám ảnh, không thể quên được là những tiếng hò hét, kêu cứu của người già, trẻ em vọng ra từ nhà hàng xóm, chỉ cách nhau một bức tường. Tiếng kêu cứu sau đó thưa dần rồi tắt hẳn, để lại những tiếng chuông điện thoại reo liên hồi nhưng... không có người bắt máy.
Cầm cự đến 5h sáng, cảnh sát tiếp cận được với gia đình cô Yến trên tầng 8. “Hai anh lính cứu hỏa vào nhà tôi, mở cửa ban công ra thấy 3 người vẫn còn sống họ bất ngờ. Khi được đưa ra, thấy người mất nằm la liệt, tôi ngất xỉu không biết gì cho đến khi được đưa vào bệnh viện”, cô Yến nghẹn ngào nói.
Gia đình cô Yến là những người sống sót cuối cùng được đưa ra khỏi chung cư, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Cả 3 người nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, vật vã, kích thích và khó thở, đau rát vùng họng.
Đối với cô Yến, quãng thời gian nằm viện là những ngày đầy mệt mỏi, bởi cô đang mang thai nên không được dùng thuốc để điều trị. Những cơn ho dai dẳng khiến cô lo sợ em bé trong bụng bị ảnh hưởng.
Sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của cả gia đình cô tiến triển tốt, thai nhi 5 tháng phát triển bình thường. Thế nhưng sự kinh hoàng và nỗi đau vẫn chưa thể nào nguôi đối với họ.
“Hằng tháng, gia đình tôi vẫn đi khám sức khoẻ định kỳ. Còn đối với em bé trong bụng, 2 tuần tôi sẽ đi khám 1 lần và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ”, cô Yến xoa bụng nói.
Phụ huynh vượt hơn 400 cây số ra thăm
Cậu con trai 3 tuổi thúc giục mẹ vẽ xe cứu hỏa và xe cứu thương.
Sau vụ cháy, cô Yến không vào xem tin tức, rất sợ bóng tối và khói lửa. Mỗi lần nhìn thấy lửa khiến cô nhớ lại cảnh tượng đau xót xảy ra với những hàng xóm xấu số.
Thời gian đầu nằm viện, cô Yến luôn được bác sĩ, người thân, học sinh và phụ huynh đến động viên, chăm sóc. Nhà trường, đồng nghiệp luôn tạo điều kiện giúp đỡ gia đình cô sau vụ cháy. Cô không nghĩ bản thân mình và gia đình lại nhận được nhiều sự yêu thương đến vậy.
“Rất đông học sinh khi hay tin tôi gặp nạn đã đến thăm, nhắn tin động viên. Có phụ huynh ở tận Hà Tĩnh, vượt hơn 400 cây số ra Hà Nội để vào viện thăm gia đình tôi”, lau nước mắt, cô Yến kể.
Đến cuối tháng 9, cô Yến quyết định trở lại trường. Dù lúc đó vẫn còn mệt, nhưng cô chọn công việc để quên đi những ký ức đau buồn. Gặp lại học sinh, đồng nghiệp sẽ giúp cô có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.
Cô Yến chia sẻ, gia đình cô may mắn vì vẫn còn đủ các thành viên. Cô rất xúc động và biết ơn khi nhận được sự quan tâm của nhiều người trên cả nước. Hai vợ chồng cô sẽ tính toán mua một căn nhà nhỏ để sớm ổn định cuộc sống.
“Vợ chồng tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người nên chúng tôi sẽ cố gắng đi làm, tích cóp để sau này đi giúp người, trả ơn đời”, nữ giáo viên 31 tuổi bày tỏ.
Con trai chị Yến ước mơ sau này “sẽ làm lính cứu hỏa"
Chỉ tay vào bức ảnh hai mẹ con vừa hoàn thiện, con trai của cô Yến nói: “Đây là xe cứu thương, còn đây là xe cứu hỏa. Mẹ ơi, con muốn được làm lính cứu hỏa để cứu người”.
Nghe con nói về ước mơ, cô Yến bật khóc, dùng tay xoa lên đầu con trai thì thầm: “Lớn lên con sẽ làm được".
“Con chỉ vào bức ảnh và đọc vanh vách xe cứu hỏa, xe cứu thương làm tôi nhớ đến vụ cháy. Khoảnh khắc sinh tử ấy khiến tôi ám ảnh suốt cuộc đời. Nhờ có những người lính cứu hỏa mà gia đình tôi như được sinh ra một lần nữa”, cô Yến nói.
Theo lời người phụ nữ 31 tuổi, con trai cô có niềm đam mê, tình yêu rất đặc biệt dành cho những người lính cứu hỏa. Bé rất thích xem những bộ phim hoạt hình về chữa cháy và cứu hộ. Nhiều lúc quá say mê, cậu tự đóng vai là lính cứu hỏa.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau biến cố, cô giáo Trần Thị Thanh Hương mong muốn có sức khỏe và tinh thần thật tốt để vượt qua mất mát. Thời gian qua đi sẽ chữa lành vết thương, để khi đến trường...