Cả gia đình bị “trời hành” có triệu chứng tâm thần
Ba thế hệ, gần 20 thành viên trong gia đình đều ngơ ngơ ngáo ngáo, người thì chết yểu, kẻ mắc bệnh mà chẳng tìm ra nguyên nhân. Tất cả những điều khó lý giải ấy đều được dân làng quy kết lại bởi nguyên nhân “trời hành”.
Tuy nhiên, trong những ngày tháng rong ruổi ở Tây Ninh để đi tìm sự thật đằng sau câu chuyện, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm hiểu được nguyên nhân hoàn toàn không giống như những lời đồn thổi gây hoang mang cho dân làng triền miên hàng chục năm qua.
Có bệnh chẳng thèm kiêng cữ
Câu chuyện chết chóc thoạt nghe qua, nhiều người cảm thấy rùng rợn và không thể hiểu được nguyên nhân. Nhưng khi trao đổi cùng chúng tôi, ông Hồ Hoành Sơn (SN 1957), trưởng khu phố Ninh Đức, Phường Ninh Thạnh cho biết: “Gia đình chị Lâm Thị Sâm là người dân tộc thiểu số. Cả xóm người dân tộc Tà Mun có 54 hộ, họ quần tụ bên nhau nên chuyện của nhà này, nhà khác đều hiểu dường như rất tường tận. Bà con dân tộc nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước nên cũng được xóa mù chữ, toàn bản đều biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của họ, vì vậy, mỗi khi nhà có người nào đó bệnh, họ thường mời thầy cúng về trừ tà, gọi là “bắt con ma” đi. Chính quyền địa phương cũng đã vận động bà con nên đi đến trạm xá, bệnh viện để khám bệnh nhưng họ cũng rất ít đi, nhiều gia đình có bệnh thì cũng không nói nên địa phương không thể biết được”.
Về gia đình chị Sâm có những cái chết bất thường như vậy, ông Sơn giải thích: “Gia đình chị Sâm và dân làng cứ đồn thổi nhau như vậy thôi chứ thực sự là không phải. Cha chị Sâm, ông Lâm Văn Xem, chết là do đi rừng bị sốt rét mà gia đình không hề hay biết, đến khi phát hiện ra thì mới mời thầy pháp đến xem và phán bị ma rừng bắt đi. Còn 7 người con trong gia đình ấy lần lượt chết yểu là do bị bệnh, các loại bệnh thông thường nhưng gia đình lại để lâu ngày, nhà đông con, không ai quan tâm, chăm sóc, bệnh mà không kiêng cữ lại gặp thêm mưa nắng, tiết trời thay đổi nên cứ lần lượt chết yểu là lẽ tất nhiên”.
Còn về căn “bệnh lạ” không ăn, không uống của bà Lâm Thị Cà Tế (mẹ Sâm) thì ông Sơn cho rằng bà Tế đã bị tai biến mạch máu não nằm liệt từ vài năm nay. Trước đây, chính quyền xã cũng thường cử bác sỹ ở trạm y tế về chăm sóc, bốc thuốc cho bà Tế thường xuyên. Thời gian đầu, sức khỏe bà Tế có chuyển biến khá tốt nhưng nay do tuổi đã cao, sức yếu nên việc ăn uống, thuốc thang và vệ sinh bà hoàn toàn không làm được.
Ông Hồ Hoành Sơn trao đổi cùng người viết. Ảnh: TG
Đối với trường hợp 5 người con còn lại, ông Sơn nhận xét họ đều có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. “Sắp tới đây, tôi sẽ làm đơn gửi lên các cấp, xin xem xét diện hộ nghèo trung ương cho gia đình bà Tế. Còn về những đứa con của bà, chúng tôi cũng kiến nghị với các bác sỹ của trạm y tế, đề nghị hỗ trợ, đưa đi bệnh viện tâm thần để thăm khám và điều trị”.
Triệu chứng tâm thần phân liệt
Cùng quan điểm nói trên, Ths- Bs Đinh Hữu Uân, chuyên gia tâm thần học, Phó trưởng phòng đào tạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I nhận xét: “Với những dấu hiệu mô tả, tôi nghĩ chị Sâm có triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Trường hợp này, triệu chứng của bệnh nhân là nói chuyện một mình hoặc nói tay đôi. Cảm xúc của bệnh nhân phụ thuộc vào nội dung của câu chuyện đó. Lúc thì bệnh nhân buồn do nội dung của tiếng nói đó quá buồn. Câu chuyện do ảo giác nên nếu nội dung vui bệnh nhân sẽ vui cười. Nói chung những bệnh nhân này thường hiếm khi vui mà họ thường chỉ có cảm giác buồn và bị động. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp họ đứng suốt ở ngoài nắng, mưa như chỉ Sâm, để muỗi đốt vào chân tay nhưng cũng để yên như vậy. Về mặt chuyên môn, muốn chẩn đoán chắc chắn thì phải thăm khám bệnh nhân kỹ hơn. Tuy nhiên, với những triệu chứng bỏ nhà đi, nói chuyện một mình thì trong tâm thần học quy vào nhóm tâm thần phân liệt”.
Ths- Bs Đinh Hữu Uân. Ảnh: TG
Về trường hợp cả 5 người “trời hành” trong gia đình chị Sâm, ông Uân nhấn mạnh: “Đối với người mắc bệnh, họ không bao giờ tự đến bệnh viện, gia đình phải đưa họ đến, nếu không có gia đình thì phải nhờ chính quyền hỗ trợ. Mỗi xã đều có một quỷ phúc lợi xã hội vì vậy nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần gần nhất để điều trị. Với trường hợp chị Sâm và người em Út, tuy họ mắc bệnh nặng nhưng nếu được điều trị, sẽ tiến triển rất tốt. Y học hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc an thần tốt, chữa trị hết ảo giác thì bệnh nhân sẽ trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào mức độ bệnh”.
Giải thích về nguyên nhân 20 năm ngủ ngồi ở bụi tre nhưng chị Sâm hoàn toàn không bị bệnh, bác sỹ Uân cho biết: “Hoàn cảnh rèn luyện nên sức khỏe, do quá trình con người thích nghi với hoàn cảnh từ từ, nên dần dần người phụ nữ này sẽ trở về với tính hoang dã, thời nguyên thủy của loài người ngày xưa. Tuy nhiên, quá trình này cũng không thể kéo dài lâu được mà chỉ trong một thời gian ngắn. Thông thường cơ thể con người, một thời gian sẽ tàn phai theo năm tháng. Suy kiệt cơ thể, nếu chị Sâm không được điều trị kịp thời sẽ chết không phải do bệnh tâm thần gây nên mà do nhiễm trùng, viêm phổi, những bệnh về rối loạn tiêu hóa. Điều cần nhất lúc này, đó là sự chăm sóc về y tế mới có thể cứu được chị Sâm và gia đình mình, còn chuyện “trời hành” hoàn toàn không có mà chỉ là do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân mà thôi”.