Ca Covid-19 liên tiếp lập đỉnh, Hà Nội không thể chủ quan được nữa!

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Ngoài số ca mắc mới liên tiếp lập đỉnh, số tử vong vì Covid-19 cũng bắt đầu tăng, Hà Nội không thể chủ quan được nữa.

Hiện nay Hà Nội số ca mắc đã trên 10 nghìn ca, tuy nhiên đây có thể chưa phải là con số đánh giá đúng thực tế, bởi còn nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhưng không khai báo y tế.

Dù có ý kiến cho rằng đến lúc không cần thiết lưu tâm đến số ca mắc mà cần tập trung vào số ca trở nặng, tử vong, nhưng theo tôi, dự báo số mắc rất quan trọng.

Làm công tác dịch tễ mà không nắm được số ca bệnh thì sao dự báo được xu thế phát triển của dịch? Đặc biệt trong tình hình dịch phức tạp, số ca bệnh tăng nhiều, nếu không có số liệu cụ thể, khi F0 tăng quá cao sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế.

Người nhiễm Coivd-19 xếp hàng đi test để được công nhận là F0 tại Trung tâm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Người nhiễm Coivd-19 xếp hàng đi test để được công nhận là F0 tại Trung tâm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Chỉ khi biết số ca bệnh mỗi ngày, mỗi tháng bao nhiêu thì cơ quan dịch tễ học mới đánh giá được dịch và đưa ra dự báo và có biện pháp phòng dịch phù hợp. Do vậy, chúng ta vẫn phải thống kê báo cáo số ca bệnh, dù có thể không công bố hàng ngày.

Ngoài số ca mắc tăng, số tử vong vì Covid-19 tại Hà Nội cũng bắt đầu tăng, với 24 ca trong ngày 26/2. Thường số ca nặng và tử vong đi sau số ca mắc tăng cao một thời gian.

Hà Nội không thể chủ quan được nữa, dù vẫn tiếp tục mở cửa các hoạt động nhưng cần tăng cường cấp độ an toàn. Nếu không tăng cường các biện pháp kiểm soát, nguy cơ dịch ở Hà Nội bùng lên là hiện hữu.

Tình hình hiện nay cũng cho thấy có thể biến chủng Omicron đã hình thành và bắt đầu làn sóng mới. Cho dù với Omicron được đánh giá với triệu chứng nhẹ hơn nhưng với tốc độ lây lan mạnh, việc không kiểm soát tốt tốc độ dịch cũng sẽ kéo theo hệ lụy về ca nặng tăng, số tử vong tăng, khủng hoảng về nguồn nhân lực của hệ thống y tế...

Bài học nhìn từ nhiều nước trên thế giới khi làn sóng Omicron trải qua, gây thiếu hụt nhân viên y tế do nhiễm Covid-19 khiến hệ thống y tế quá tải. Và với Việt Nam, hệ thống y tế vốn đã khó khăn, sắp tới dễ đối mặt với khủng hoảng về nhân lực.

Dự báo trong 2-3 tuần tới, dịch Covid-19 với làn sóng mới và nhiều khả năng chưa thể đi xuống.

Với Hà Nội, ngay bây giờ không chủ quan được nữa và dù không cấm nhưng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, không tụ tập đông người, các hoạt động nếu số người tập trung quá đông cần phải dừng lại; người dân cần thực hiện 5 K thật tốt; tại các công sở tăng cường họp, làm việc online…

Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa ý thức phòng chống dịch an toàn, những hoạt động không thiết yếu mà có nguy cơ cao cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn, và chưa thể coi Covid-19 như bệnh lý thông thường…

PGS.TS. Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam)

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày 26/2: Thêm 77.970 ca COVID-19 trong nước, Thái Nguyên bổ sung 20.894 F0

Bộ Y tế cho biết, trong 24h qua đã ghi nhận thêm 77.970 ca COVID-19 trong nước (có 64.285 ca trong cộng đồng). Ngoài ra, Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 20.894 ca.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN