Cá chết trên sông Mã kéo dài 50 km

Sự kiện: Tin ngắn

Thanh Hóa - Gần 14 tấn cá lồng, cá tự nhiên chết bất thường trên 40-50 km sông Mã qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy và đang có dấu hiệu lan rộng.

Ngày 6/5, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết thủy sản nuôi lồng và tôm cá sinh sống tự nhiên trên sông Mã tiếp tục chết chưa rõ nguyên nhân. Phạm vi ghi nhận từ thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước xuôi về phía hạ lưu huyện Cẩm Thủy.

Tại huyện Bá Thước, cá chết rải rác từ cuối tháng 3, cuối tháng 4 rộ lên và đến nay lan tới 8 xã, thị trấn với gần 230 lồng nuôi của hơn 170 hộ dân bị thiệt hại. Tổng trọng lượng cá chết gần 13 tấn.

Cá chết được vớt lên mặt lồng nuôi ở thị trấn Cành Nàng. Ảnh: Lam Sơn

Cá chết được vớt lên mặt lồng nuôi ở thị trấn Cành Nàng. Ảnh: Lam Sơn

Anh Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, cho biết trong ít ngày qua gia đình mất 3 lồng cá tổng trọng lượng hơn 400 kg, chủ yếu là loại trưởng thành. "Hơn 200 hộ nuôi cá lồng quanh đây đều bị vậy. Chúng tôi trắng tay sau nhiều tháng chăm sóc đàn cá mà chưa được xuất bán", anh Thành nói.

Tại huyện Cẩm Thủy, tiếp giáp với huyện Bá Thước về hạ lưu sông Mã, chính quyền ghi nhận cá lồng của 7 hộ dân ở xã Cẩm Thành chết bất thường, tổng trọng lượng gần một tấn. Các hộ nuôi ở xã Cẩm Lương, Cẩm Thành, thị trấn Phong Sơn... hiện khá lo lắng, một số đánh cá bán sớm hoặc tìm phương án chuyển lồng đến vị trí xa nguồn nước sông nghi bị ô nhiễm.

Cá ngoài tự nhiên cũng ngoi lên mặt nước, dạt vào bờ và chết số lượng lớn, song cơ quan chức năng chưa có thống kê.

Người đàn ông ở Bá Thước vớt số cá chết đem bán nhằm vớt vát tài sản. Ảnh: Lam Sơn

Người đàn ông ở Bá Thước vớt số cá chết đem bán nhằm vớt vát tài sản. Ảnh: Lam Sơn

Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã lấy 3 mẫu cá, 6 mẫu nước đi xét nghiệm, xác định không phát hiện bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nấm trên cá. Với mẫu nước, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Mổ khám nội tạng các loài cá chết như trắm, lăng, leo ở nhiều độ tuổi cũng cho các chỉ số sinh tồn bình thường.

Bước đầu nhà chức trách nhận định "có hiện tượng thiếu oxy hòa tan trong nước khiến thủy sản chết". Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị người dân tiếp tục dùng máy bơm, máy sục khí nhằm tăng cường oxy hòa tan cho nước. Cá chết phải được thu gom, tiêu hủy để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trước đó đầu năm 2021, cá chết hàng loạt xảy ra trên sông Mã, đoạn qua các huyện Quan Hóa, Bá Thước và Cẩm Thủy. Khoảng 60 tấn cá lồng bị chết gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cơ quan chức năng sau đó điều tra, xác định nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản dọc sông Mã ở huyện Quan Hóa và Bá Thước xả thải khi chưa xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều nhà máy bị xử phạt, buộc dừng hoạt động để khắc phục hậu quả.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình trạng cá nuôi lồng và cá tự nhiên chết bất thường trên sông Mã, đoạn qua huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hoá) khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hoàng ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN