Cá chết hàng loạt trên sông: Nhà máy đền bù 1,4 tỉ đồng
Lãnh đạo huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết đại diện nhà máy đường Hòa Bình đã làm việc với chính quyền và đồng ý đền bù cho dân 1,4 tỉ đồng sau vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi.
Người dân nuôi cá lồng trên sông Bưởi ở Thanh Hóa chịu thiệt hại nặng do cá chết hàng loạt
Sáng ngày 12-5, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Bùi Minh Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cho biết chiều ngày 11-5, đại diện Công ty CP mía đường Hòa Bình đã có cuộc làm việc với đơn vị và thừa nhận việc xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi, gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá chết hàng loạt trên sông. Nhà máy này đã ký biên bản chấp thuận đền bù cho dân 1,404 tỉ đồng.
Theo ông Thông, Công ty CP mía đường Hòa Bình đồng ý bồi thường, hỗ trợ cho 34 hộ bị thiệt hại, với số lượng cá chết là 17,5 tấn với tổng số tiền đền bù là 1 tỉ 404 triệu đồng (giá 80.000 đ/kg cá). “Đại diện công ty cho biết sẽ đền bù cho dân chậm nhất là ngày 15-5 và trao tận tay người dân. Nhưng nghe nói sáng nay (12-5) đại diện nhà máy đường có về trao tiền cho người dân, chúng tôi đang chờ” - ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông, công ty chỉ mới đưa ra phương án hỗ trợ, còn việc xử lý nguồn nước chưa thấy công ty có ý kiến gì.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, bắt đầu từ sáng 4-5, nước sông Bưởi, đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, nước chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi thối. Những ngày sau, dòng nước trên trôi về phía hạ lưu khiến cá lồng chết hàng loạt tại các xã Thạch Quảng, Thành Vinh, Thành Mỹ… của huyện Thạchh Thành.
Cá chết trắng sông Bưởi do nhà máy mía đường xả thải nước chưa qua xử lý ra sông
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, toàn huyện có 32 hộ bị thiệt hại với 71 lồng cá, tổng trọng lượng hơn 17,5 tấn cá chết. Ngay sau khi xảy ra cá chết, ngày 5-5, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình lập đoàn công tác kiểm tra việc xả thải của các nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó có Công ty CP Mía đường Hòa Bình (đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).
UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TN-MT hỗ trợ Thanh Hóa xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi; giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật, giao UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty CP mía đường Hòa Bình, công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông Bưởi, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định mức độ thiệt hại đến môi trường do Nhà máy Đường Hòa Bình gây ra, có biện pháp hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thạch Thành bị thiệt hại.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởiđảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt.
Được biết trong sáng nay (12-5), Bộ TN-MT sẽ thành lập đoàn công tác về kiểm tra nhà máy đường Hòa Bình.