Cá chép vừa được thả, người dân vớt lên, không cho “ông Táo về trời”
Cá chép vừa được thả xuống sông, hồ đã bị vớt lên ngay mà người thả cá không làm gì được.
Sáng 17/1 (23 tháng Chạp âm lịch), nhiều người dân tại Thủ đô đã mua cá chép vàng ra hồ thả để tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời.
Ghi nhận của phóng viên, tại hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), có rất đông người dân đến đây để thả cá. Bên cạnh việc thả cá, người dân còn thả rất nhiều túi nilon và tro xuống hồ.
Một công nhân môi trường có mặt tại đây cho biết, từ sáng nay các công nhân đã được huy động đến đây để thu gom rác do người dân đổ xuống hồ và đặt biển “hãy chung tay bảo vệ môi trường, thả cá không thả túi nilon” nhưng tình trạng thả tro hương vẫn diễn ra.
Nhiều người còn cẩn thận chắp tay cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ cho cá chép bơi xuống mặt nước.
Tuy nhiên, người dân rất bất bình với hai người đàn ông có mặt tại hồ, họ dùng vợt, vớt những con cá chép vàng to, đẹp mang về ngay sau khi người dân thả cá xuống hồ.
Một số người thấy hình ảnh này rất bất bình nhưng không làm gì được.
Công nhân môi trường phải dùng vợt vớt tro lên để cá chép không bị vướng vào.
“Phải vớt lên hay xua tan tro ra thì cá mới sống nổi”, một công nhân nói.
Cá chép vàng chết ngạt được công nhân vớt lên cho vàon thùng rác.
Một người dân đứng phân bua với BQL hồ khi không được thả tro xuống hồ. Người này cho rằng, thả tro xuống hồ là văn hóa chứ không ai để tro vào thùng rác.
Các công nhân liên tục nhặt, dọn rác quanh hồ trong ngày ông Công, ông Táo về trời.
Có người lại mang vàng mã, mũ quan… ra cạnh hồ đốt sau khi làm lễ.
Rất nhiều người dân tự động bỏ túi nilon vào thùng rác sau khi thả cá chép xuống hồ.
Trong khi đó, tại TP.HCM, nhiều người dân đổ xô đi mua cá chép cúng tiễn đưa ông Táo về trời theo phong tục dân gian. Sau khi cúng xong, người dân mang cá ra bờ sông Sài Gòn (khu vực chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh) để thả với mong muốn gia đình bình an và may mắn trong cuộc sống. Dịp này, nhiều Phật tử cũng mang nhiều loại cá ra bờ sông để phóng sinh.
Để đảm bảo cá chép (phương tiện để ông Táo về trời) sống, nhiều gia đình còn lắp bình oxy để tạo không khí cho cá trước khi mang đến điểm thả.
Người đàn ông sau khi cầu khấn đã mang xô cá ra bờ sông để thả cá.
Nhiều cá chép lớn, cá chép đỏ được người dân mang đến thả. Tuy nhiên, cá vừa được thả xuống đã bị một nhóm người đi ghe vớt lên để bán. Thậm chí có người còn dùng bình điện để xuyệt cá.
Bị xuyệt điện, cá nổi lên và bị vớt vào ghe, nhiều con cá bị dính điện nổi lên ngắc ngoải một lúc sau thì chết.
Cá chép sau khi được thả chưa kịp bơi đã bị xuyệt điện rồi vớt lại để bán. Nhiều người bức xúc phản ứng nhưng “đội quân xuyệt cá” vẫn bỏ ngoài tai.
Một số cá chép may mắn không bị vớt lên thuyền của nhóm người xuyệt cá nhưng do bị dính điện nên chỉ bơi ngắc ngoải một lát rồi chết.
Nhiều người dân thấy cảnh này liền thuê ghe ra giữa sông để thả nhưng “đội vớt cá” vẫn bám theo sau đuôi ghe, cá vừa đổ xuống liền bị vớt lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Một chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã lắp đặt 2 chiếc "cầu trượt" để thuận lợi cho cư dân thả cá...