Buýt thường lấn làn buýt nhanh, tài xế bị CSGT nhắc nhở
Ô tô, xe máy thậm chí cả xe buýt lấn làn, đi vào đường buýt nhanh BRT đều bị CSGT nhắc nhở trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2017.
Theo ghi nhận của PV, trong sáng 3/1, ngày làm việc đầu tiên của năm 2017, dọc tuyến đường từ bến xe Yên Nghĩa - Lê Văn Lương - Kim Mã, vẫn còn trường hợp phương tiện lấn làn xe buýt nhanh dù không vào giờ cao điểm.
Đặc biệt trong số đó, lực lượng CSGT còn nhắc nhở một trường hợp xe buýt thường chạy lấn vào làn dành riêng cho xe buýt nhanh BRT.
Tài xế xe buýt thường (điều khiển xe buýt tuyến 49) Lê Văn Đức phân trần: “Dù biết đó là làn dành riêng cho xe buýt nhanh nhưng do áp lực đường quá đông, với lại đang bị chậm giờ nên tôi vẫn phải chạy “nhờ” vào làn buýt nhanh để kịp chuyến”.
Khi được CSGT nhắc nhở về lỗi lấn làn, tài xế Lê Văn Đức cam kết sẽ không tái phạm lấn làn của xe buýt nhanh BRT.
Không chỉ xe buýt mà nhiều tài xế ô tô khi thấy làn đường dành riêng cho buýt nhanh còn thông thoáng liền lập tức đi vào
Ông Nguyễn Phong, tài xế xe ô tô mang BKS: 29C-642.40 cho biết: “Do loại xe buýt này mới đưa vào hoạt động, tôi không chú ý quan sát nên đã đi nhầm vào phần đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Rất may hôm nay các anh CSGT chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.”
Trao đổi với PV, Đại úy CSGT Nguyễn Thế Cường (Đội CSGT số 3, Công an Tp Hà Nội) cho biết: “Do những ngày đầu xe buýt nhanh BRT mới đưa vào vận hành, người dân vẫn chưa nắm được luật nên chúng tôi chỉ nhắc nhở và ghi lại biển số xe. Nếu những lần sau còn tái phạm sẽ xử phạt.”
Theo ghi nhận của PV, đa phần người vi phạm lỗi đi lấn làn buýt nhanh BRT là xe máy, chỉ số ít trong đó là xe ô tô, xe buýt thường.
Tất cả những trường hợp đi sai làn đều được CSGT nhắc nhở, nâng cao ý thức chứ chưa xử phạt.
Từ 1/1/2017, tuyến xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên tại Hà Nội sẽ chính thức đi vào hoạt động theo tuyến đường riêng. Tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. Tuy nhiên khi hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ hình ảnh ghi lại để phạt nguội. Cụ thể, theo điểm b, khoản 4, Điều 5 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt, lực lượng chức năng sẽ phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Ngoài ra, quy định xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ cũng áp dụng phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường . |