Bưởi cảnh đã xuống phố, Tết cổ truyền cận kề
Người Hà Nội đã cảm nhận hương vị Tết cổ truyền cận kề khi thấy vườn bưởi cảnh xuất hiện trên đường Lạc Long Quân, phục vụ nhu cầu của người dân chơi Tết sớm.
Khoảng 2 tháng nữa đến Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng một nhà vườn đã vận chuyển, trưng bày hàng chục cây bưởi cảnh phục vụ nhu cầu chơi Tết sớm của người Hà Nội trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)
Ông Nguyễn Kim Thắng (Hoài Đức), chủ nhân vườn bưởi cảnh cho biết:" Cũng như mọi năm, tôi thường mang bưởi cảnh ra phố bán sớm nhất ở Hà Nội với mong muốn phục vụ khách quen và những khách có nhu cầu mua cây về chơi Tết sớm".
Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID – 19 nên nhà vườn không trưng bày nhiều cây như mọi năm. Người dân giảm thu nhập nên tôi cũng chủ động làm ít cây và giá giảm khoảng 20% so với mấy năm trước, chủ vườn cho hay.
Theo chủ vườn, thời tiết năm nay thuận lợi nên bưởi đẹp hơn năm ngoái. Giá cả dao động từ 10 – 50 triệu đồng/chậu, tùy thuộc vào gốc to hay nhỏ. Những cây to, tuổi đời từ 35-40 năm, trên 100 quả thường có giá 40-50 triệu đồng.
"Để cho ra một lứa bưởi cảnh, phải mất từ 3 đến 4 năm với nhiều công đoạn khác nhau. Do bưởi cảnh nên cây phải ghép đến 70%, quả ghép 30%. Thông thường số lượng quả được ghép trên một cây cũng căn cứ vào độ to, khoẻ của gốc", ông Thắng cho biết.
Những cây bưởi cổ thụ rất đa dạng về thế dáng, thường những cây có dáng như Ngũ Phúc, Tam Đa, hay Quần tụ... thì còn nhiều dáng được ưa chuộng như dáng trực, dáng siêu..
Ngoài dáng thế, khách hàng còn nhìn vào quả, lá. Quả phải đều, chín vàng, lá xanh mướt và quan trọng nhất là cây có những cành lộc khỏe mạnh…
Được biết, những gốc bưởi mà ông Thắng trồng làm cảnh đều là giống bưởi Diễn, bởi chỉ có loại bưởi này mới để được đến qua Tết. Sau khi đốn về, bưởi được nuôi trồng dưới đất một vài năm cho thuần cây rồi mới đưa lên chậu.
Vì nuôi trong chậu nên người trồng phải tốn rất nhiều công sức khi chăm sóc để tránh cây bị chết rễ. Mỗi cành chiết mất 3 năm để phát triển, cây cứng cáp rồi mới được ghép quả. Mỗi cây thành phẩm phải có ít nhất 3-5 cành chiết, chiết cành xong lại đến công đoạn ghép quả.
Việc ghép cũng khó khăn không kém do không thể thành công hoàn toàn, có nhiều quả ghép hỏng, chưa kể nhiều cây không đạt yêu cầu thì không thể giao cho khách, phải quay đầu chăm sóc tiếp chờ năm sau.
Do công đoạn chăm sóc loại cây này khá tỉ mẩn và kỳ công nên đa phần khách chơi Tết thường thuê cây, chơi Tết xong lại trả cho nhà vườn. Với những khách mua đứt, các nhà vườn sẽ hỗ trợ chăm sóc trước, trong và sau Tết Nguyên Đán nếu khách có nhu cầu, ông Thắng chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]