Buộc xe máy bật đèn ban ngày: "Chỉ thêm phiền phức"
Nhiều người dân không đồng tình với việc buộc xe máy bật đèn chiếu sáng ban ngày vì không phục vụ cho mục đích an toàn giao thông, lại có thể gây phân tán cho người lái xe và dẫn đến tai nạn.
Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 21-12 phản ánh sự tranh cãi về đề xuất bắt buộc xe máy bật đèn chiếu sáng vào ban ngày. Cùng ngày, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này.
Làm tăng giá xe
Theo quy chuẩn kỹ thuật ô tô, xe máy hiện hữu của Việt Nam chỉ có hai loại đèn phải gắn là đèn chuyển động (Moving Light) và đèn dừng (Stop Light).
Đèn được đề xuất là đèn Position Light (báo vị trí, có độ chiếu sáng bằng nửa loại thông thường nên gọi là đèn đờ mi) nằm trước và sau xe. Việc bật đèn xe vào ban ngày có tác dụng báo vị trí xe trong điều kiện chiếu sáng không tốt. Ở một số loại xe, đèn này sẽ tự sáng khi xe khởi động hoặc chuyển động.
Ở một số nước thường xuyên có sương mù hoặc bị ô nhiễm khói bụi nặng thì họ mới khuyến cáo lắp thêm đèn Position Light để các xe đi, dừng, đậu gần nhau nhận biết. Cũng ở các nước này có quy định bắt buộc ô tô, xe máy phải luôn dùng đèn Moving Light có màu vàng và không ai dùng đèn đờ mi để chiếu sáng.
Ở nước ta, các xe chuyên chạy ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc thường có mưa hoặc sương mù về sáng, chiều hoặc đột xuất thì thường gắn thêm đèn chuyển động màu vàng.
Gần đây, một số xe máy có gắn đèn đờ mi. Tuy vậy, theo tìm hiểu của ngành đăng kiểm, các xe máy có đèn đờ mi (chủ yếu xe nhập) là để đánh bóng thương hiệu, làm tăng thêm giá bán xe chứ chẳng phục vụ gì cho mục đích an toàn giao thông ở nước ta. Ai thích “xe khác người” thì cứ mua, cứ gắn thêm đèn chứ buộc 35 triệu xe máy hiện hành phải gắn và bật đèn đờ mi thì mức độ thiệt hại cho dân sẽ rất lớn. Lại nữa, nếu điều này trở thành quy định bắt buộc thì nó chỉ làm lợi cho các hãng sản xuất đèn xe máy ở nước ngoài.
Giám đốc một trung tâm đăng kiểm thuộc Bộ GTVT
Nhiều nơi xe máy cứ san sát nhau thế này thì việc buộc bật đèn “cảnh báo” không ý nghĩa. Ảnh: LĐ
Chưa chắc phù hợp ở Việt Nam
Theo nghiên cứu của các nước, việc bật đèn chiếu sáng tự động đã giảm được tai nạn giao thông (TNGT). Nhưng điều này có phù hợp ở Việt Nam hay không cần được xem xét kỹ.
Bởi lẽ mật độ xe máy ở Việt Nam lớn, lưu thông hỗn loạn chứ không trật tự như các nước châu Âu, đặc biệt đường ở Việt Nam hẹp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thận trọng. Nếu thấy cần thiết thì cũng nên thí điểm trước để biết việc bật đèn trên có tác dụng tích cực không. Hay việc bật đèn ban ngày gây phân tán cho người lái xe cũng như gia tăng nhiệt độ trong điều kiện nóng bức và số lượng xe lớn như ở Việt Nam.
Nhiều xe máy hiện chưa có đèn chiếu sáng nên nếu áp dụng thì các nhà sản xuất phải thay loại bóng đèn, bình ắcquy có độ bền tốt, chiếu sáng lâu hơn và hệ thống dây dẫn, bộ điều khiển trên xe... Theo quy định hiện hành, việc thay đổi thiết kế của dòng xe máy ở Việt Nam phải mất hai năm để các cơ quan có liên quan phê chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm xe.
Chi phí của việc thay đổi, bổ sung thêm đèn này không lớn. Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng khi áp dụng quy định này tại Việt Nam có giảm được tai nạn không hay là phản tác dụng. Chúng tôi luôn ủng hộ các giải pháp giảm TNGT, giảm số người tử vong nhưng việc gì cũng phải có lộ trình và nên có nghiên cứu thực sự, có hiệu quả mới đưa vào áp dụng.
Ông HỒ MẠNH TUẤN, Phó Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam
Nghiên cứu, bổ sung vào luật
Malaysia đã đưa vào luật quy định này rồi. Theo nghiên cứu của các nước việc bật đèn chiếu sáng phía trước chỉ làm nhiên liệu tiêu thụ tăng thêm 0,09% và giảm thiểu được TNGT.
Việc bật đèn cũng giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông, đặc biệt các xe buýt và xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được.
Theo tôi, nếu biện pháp nào hữu hiệu giảm được TNGT thì nên áp dụng, nếu không phù hợp thì bỏ. Do vậy, các kết quả mang lại từ việc bật đèn chiếu sáng vào ban ngày cần được tiếp thu để nghiên cứu, đặc biệt, năm chúng ta sửa Luật Giao thông đường bộ.
Tôi cũng cho rằng nếu áp dụng thì phải triển khai toàn quốc, không thể quy định đi đường làng bật đèn, đường phố thì không bật đèn. Như ngày xưa có người bảo chỉ bắt buộc đội mũ bảo hiểm ngoài thành phố còn trong thành phố thì không bắt buộc đội, như vậy rất khó thực thi.
Ông NGUYỄN VĂN THẠCH, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT
Xe máy sát nhau, bật đèn không khả thi
Nghiên cứu từ các nước mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra là từ ô tô chứ không phải xe máy. Cụ thể, ở các nước châu Âu ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều nên các ô tô thường sử dụng đèn chiếu sáng vào ban ngày.
Nếu buộc các xe máy Việt Nam bật đèn chiếu sáng vào ban ngày là không khả thi do số lượng xe máy rất lớn. Đặc biệt ở các đô thị, xe máy san sát nhau, sau, trước, phải, trái đều có thì bật đèn đâu có tác dụng. Ngoài ra, tôi chưa nghe có nghiên cứu nào nói 10% TNGT ở Việt Nam là do không bật đèn. Tôi cho rằng bật đèn chiếu sáng vào ban ngày sẽ không giảm được TNGT.
TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông
Có cũng không bật vì không cần thiết
Loại đèn tự động chiếu sáng phía trước của xe là cần thiết nên được dùng ở những nước hay có sương mù. Tuy nhiên, TP.HCM làm gì có sương mù và ban ngày trời lúc nào cũng sáng trưng thì bật đèn để làm gì? Ngược lại, bật đèn còn gây tác dụng ngược, gây khó chịu cho người tham gia giao thông nữa.
Ở Việt Nam, nhiều loại ô tô (nhất là ô tô con) có trang bị loại đèn này nhưng mấy khi sử dụng đâu. Tôi cho rằng họ không bật đèn ban ngày vì thấy không cần dùng đến.
Trước đây tôi từng chạy xe tải và cũng chưa bao giờ bật loại đèn này. Lúc trời mưa thì bật đèn chiếu sáng thông thường luôn.
Ông NGUYỄN TẤN MINH, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Ánh sáng yếu, bật cũng như không
Ánh sáng đèn sương mù của chiếc xe Lead này rất yếu nên giữa ban ngày ở TP.HCM mà có bật thì cũng không có tác dụng gì.
Tôi rất ít dùng đèn này, trừ lúc 6 giờ chiều khi trời vừa tối mà chưa cần bật đèn chiếu sáng thường. Nếu trời mưa thì tôi bật luôn đèn chiếu sáng thường. Do đó đề xuất này không cần thiết, đặc biệt là đối với đặc trưng thời tiết của khu vực miền Nam.
Nếu xét thấy cần áp dụng để giảm TNGT thì nên áp dụng ở các khu vực miền núi, miền Bắc, Tây Nguyên có thời tiết lạnh, thường xuyên có sương mù, địa hình lại khó di chuyển. Ở TP.HCM thì không cần bày vẽ thêm cho phiền phức.
Ông LÂM XUÂN BÌNH, quận 1, TP.HCM
Tốn kém cho việc “gắn thêm” đèn
Chủ trương này nghe thấy kỳ lạ. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì hàng triệu xe máy trên khắp đất nước Việt Nam đều phải chuyển đổi hay sao, ai chịu chi phí và thiệt hại cho việc thay đổi này?
Ngoài ra, mật độ xe máy ở TP.HCM quá lớn. Việc đồng loạt mở đèn chiếu sáng ban ngày e là sẽ phản tác dụng; trong khi ở nước ngoài chủ yếu là ô tô, đường lại vắng và thời tiết đặc trưng sương mù nên việc sử dụng loại đèn này là tất yếu và dễ dàng.
Ông LÝ TẤN HÙNG, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Luật Giao thông đường bộ quy định ô tô, xe máy phải bật đèn chiếu sáng (đèn chuyển động) khi lưu thông về đêm, khi qua hầm đường bộ. Vậy nếu muốn buộc xe máy phải bật đèn đờ mi vào ban ngày thì phải sửa luật và buộc cả ô tô, xe máy phải bật đèn đờ mi khi lưu thông ban ngày. |