Buộc tay, bò quanh núi đá để cai nghiện

Gần chục năm nay, Lương Minh Giang sống trên một ốc đảo nhỏ, nằm lẻ loi giữa hồ sông Đà và để đi ra được chốn này cách chỉ duy nhất là vượt 2km bằng thuyền độc mộc.

Người đàn ông sống quạnh quẽ trên đỉnh núi Tháu giữa lòng hồ Thủy điện Hòa Bình này có số phận dông bão và cách anh đứng dậy làm lại cuộc đời khiến người ta tưởng chừng như một cuốn truyện dài.

Giang hồ một thời

Theo chiếc thuyền độc mộc đến căn nhà của anh Giang nằm trên ốc đảo nhỏ, tôi được anh kể về cuộc đời mình. Mà thực sự nghe nó như một cuốn truyện dài. Ở đấy có sự đứng lên, phục thiện của một con người từng lầm lỡ, nghiện ngập. Lương Văn Giang sinh năm 1957, trong một gia đình công chức tại TP.Hòa Bình, bố anh trước là Chánh án TAND thành phố, mẹ làm ở Bệnh viện tỉnh. So với bạn bè trang lứa thời ấy, Giang bảo nhà anh thuộc thành phần cơ bản, không giàu có nhưng cũng không phải nghĩ nhiều đến cái ăn cái mặc. Và Giang đã không phụ công ơn cha mẹ khi suốt 9 năm liền đều là học sinh giỏi, thậm chí có năm là học sinh giỏi của toàn miền Bắc. Một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đợi anh ở phía trước.

Anh bảo, những ngày trước năm 1975, anh đam mê và có ý định sẽ theo học đại học hoặc làm một công việc gì đó. Nhưng cuộc sống vốn không như anh mong đợi, cái chí của một thằng đàn ông muốn ôm súng lên đường giải phóng đất nước nó thấm vào máu của tất cả lũ con trai khiến anh cũng muốn theo đuổi nó. Và rồi từ giã những ngày học cuối cấp, Lương Văn Giang lên đường vào Nam trong hào khí hừng hực của cả dân tộc những ngày đầu năm 1975. Mặc áo lính chỉ hơn 5 năm thôi nhưng Giang có cơ hội được tham dự vào 3 sự kiện lớn của dân tộc trong giai đoạn ấy. Giải phóng Sài Gòn xong, anh và đồng đội đã nhận nhiệm vụ sang chiến trường K khu vực biên giới Tây Nam. 4 tháng sau, đơn vị lại ngược ra Bắc lên vùng Võ Nhai (Thái Nguyên) để chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc.

Buộc tay, bò quanh núi đá để cai nghiện - 1

Anh Giang kể tiếp: "Năm 1980, tôi ra quân và phía trước là kế hoạch đi học nước ngoài mà bố tôi đã sắp đặt sẵn, nhưng không hiểu sao, ước muốn được ngao du sơn thủy trong những tháng năm lửa đạn lại ùa về. Ông cụ nhà tôi đã gần như ngất xỉu khi nghe tin tôi từ chối du học và sẽ ngược lên chốn rừng xanh núi đỏ để... đi buôn".

Anh bảo đó là một dấu mốc, một bước ngoặt đánh dấu cho một giai đoạn đầy hãi hùng mà đôi khi giật mình tỉnh giấc trong đêm, anh đều sửng sốt như không tin đó là sự thật. Thậm chí, đó là chuỗi những tháng ngày của quá khứ mà anh muốn quên. Chính anh cũng không thể tin rằng sau những gì mình đã lún sâu vào, khi bàn tay đã vấy máu tanh và tiền bẩn, anh lại còn cơ hội làm lại cuộc đời.

Sông Đà của những ngày đầu năm 1980 đã được Nguyễn Tuân nói kỹ trong bài ký "Người lái đò sông Đà" nổi tiếng, là con sông nguy hiểm và hung dữ nhất Việt Nam thời điểm đó. Hành trình 170 thác, 130 ghềnh dọc sông Đà đã in dấu chân Lương Minh Giang không biết bao nhiêu lần. Một mình một bè, chơ vơ giữa trời nước, đánh đu với chính mạng sống của mình, Lương Minh Giang đã trở thành một tay anh chị vùng sông nước với những bè gỗ từ vùng thượng du Mường Tè (Lai Châu), Phù Yên (Sơn La) về tới bến Trung Hà (Hà Tây cũ).

Và như thế, cuộc đời của “gã giang hồ họ Lương” gắn liền với búa rìu, dao kiếm. Ngay cả khi ngủ, Giang cũng chỉ khép hờ 2 mí mắt để chỉ một tiếng động nhẹ như tiếng lá rơi nghiêng là gã cũng kịp tỉnh giấc để nắm chặt chuôi dao sẵn sàng tử thủ với những kẻ cướp hàng. Sự nguy hiểm trong công việc cũng tỷ lệ với lợi nhuận. Chặng đường càng khó khăn, nhiều cửa tử thì lợi nhuận thu được càng nhiều, càng đủ để đốt cháy lòng tham vô đáy của những kẻ như Giang. Sa chân vào nghiện ngập, nhìn người cha già đau khổ trên giường bệnh, Lương Minh Giang quyết tâm làm lại cuộc đời. Bò quanh núi đá mấy nghìn lần, đập gãy hàng trăm chiếc búa tạ, Giang mới thoát khỏi "cái chết trắng" trở về với cuộc sống bình thường.

Nhớ lại thời "hoàng kim"của mình, Giang bảo lúc đó tiền nhiều vô kể. Nhiều đến mức mà anh phải cho vào bao tải rồi vứt chỏng chơ dưới ván thuyền. 23 tuổi và vô số tiền bạc. Chán nản và mất phương hướng. Giang bập vào thuốc phiện và cờ bạc như một tất yếu. Giang kể đã có những lần sau khi thanh toán hàng hóa xong, anh vác từng túi tiền nặng trịch về Cầu Đất (Hà Nội) cờ bạc và hút xách đến hàng tháng trời mới về lại Hòa Bình.

Thời điểm đó, Giang làm ra nhiều tiền của đến như vậy là bởi anh liều lĩnh. Làm cái nghề này người nào liều lĩnh đã là một nửa thành công. Thứ hai là "cái đầu" của một người đã đi đây đi đó, biết lắng nghe và suy xét. Ngồi nói chuyện, Giang bảo duyên nợ là rất đúng. Duyên thì rõ rồi, còn nợ thì chính anh là "con nợ" của chị, anh đã nợ chị một món nợ ân tình mà những tháng ngày hoàn lương của mười năm sau anh đã coi như những hành động sám hối và trả nghĩa lại người phụ nữ mà có lẽ, ông trời đã ban xuống cho cuộc đời phiêu bạt của anh. Đến với anh, chấp nhận sống cùng một người chồng nghiện ngập, với chị, như một lẽ bình thường, cũng như tình yêu chị dành cho anh vậy. Năm 1990 đứa con trai đầu lòng ra đời, Lương Văn Giang quyết định lên bờ với... hai bàn tay trắng.

Thậm chí đã có thời gian, để mưu sinh, Lương Minh Giang phải cầm dao cướp của tại một số nơi như bưu điện thị xã, chợ Hòa Bình, trở thành nỗi ám ảnh của người dân những nơi này. Trước đứa con bất trị không bảo ban được, cha Giang đã xin nghỉ hưu sớm và từ đó, sức khỏe của ông cũng xuống dần theo những lần "lên cơn nghiện" của Giang. Quỳ bên cha già suốt đêm hôm ấy, Giang quyết tâm phải làm lại cuộc đời.

Buộc tay, bò quanh núi đá để cai nghiện - 2

Làm lại cuộc đời

Không chỉ ngày ấy mà giờ đây, núi Tháu, ốc đảo nằm chơ vơ giữa lòng hồ thủy điện vẫn là một vùng núi vô cùng hoang vu, quạnh quẽ. Chỉ núi đá nối tiếp đá núi. Thời anh lên đây không một bóng người, thực ra trước đó cũng đã có 4 hộ gia đình lên đây tính kế lập nghiệp nhưng rồi lần lượt phải bỏ đi bởi sự hoang sơ và thú dữ.

Giang kể, thời ấy có những con rắn hổ chúa ùa vào nhà, chúng to lớn đến mức có hôm cắn chết 4 con chó một lúc, mất gần một tháng anh mới thu phục được. Hay có lần, cũng chính tay anh đã hạ gục một con gấu nặng 50 cân. "Cũng gọi là đã trải mọi thăng trầm thì việc cai nghiện là việc khó nhất trong cuộc đời tôi đã gặp".

Thương vợ, anh bảo chị cứ mỗi lần anh lên cơn là chị và con hãy chạy thật xa, cứ mặc anh. Có những lần tưởng không cưỡng lại nổi anh lại tự lấy dao đâm tay chảy máu để nhờ cảm giác đau đớn sẽ "cắt cơn". Không thành công, anh lại nhờ chị buộc hai tay lại để… bò quanh núi đá.

Nhớ lại chuyện cũ, Giang đau đớn: "Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cha tôi nằm trên giường bệnh bất lực nhìn đứa con trai ngỗ ngược. Ông không còn đủ nước mắt để khóc, chỉ có những dòng đục đục từ khóe mắt chảy ra thôi…".

Anh bảo, anh không nhớ đã bò đi bò lại mấy nghìn lần, đến khi núi đá mòn nhẵn, đầu gối chi chít sẹo thì hành trình cai nghiện của anh cũng thành công. Mỗi khi lên cơn, anh hành xác bằng cách bê từng hòn đá lên xếp gọn trên đó để tìm đất trồng cây. Đêm đêm khi vợ con đã say ngủ, nhớ thuốc anh lại ngồi dậy cầm cuốc xẻng ra đào ao để thả cá. Đó chính là chiếc ao mà bây giờ đưa về cho gia đình anh 30 triệu đồng tiền cá mỗi năm. Toàn bộ đá xây ngôi nhà anh đang ở, đá xây chuồng bò, đá để lát sân… cũng là thành quả lao động của anh trong những cơn ác mộng đã qua ấy. "Hàng trăm chiếc búa tạ đã hỏng và tôi có ngày hôm nay".

Ngày hôm nay của anh, Giang bảo không phải là những thành quả có thể nhìn và đong đếm được mà cái quan trọng là anh đã làm lại cuộc đời, đã biết dạy cho hai đứa con một trai, một gái về những lẽ sống và lòng hướng thiện bằng quá khứ đầy ám ảnh của mình. Cuộc đời dài lắm nhưng đôi khi cuộc đời cũng chỉ như bóng câu qua cửa sổ. Rất nhiều lần trong đêm khuya, khi vợ con đã say giấc, Giang lại lẳng lặng xuống bếp cùng với cây ghi ta âm thầm hát những lời buồn của Trịnh Công Sơn: "Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ…".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Việt (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN