Buộc khai báo nếu rời nơi cư trú 15 ngày: Phạm luật?
Đề xuất nam thanh niên từ 18 đến 25 tuổi khi đi khỏi nơi cư trú quá 15 ngày phải khai báo là vi phạm Luật cư trú cũng như tinh thần của Hiến pháp.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2015 và Tổng kết 10 năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự (2006 - 2015) do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) TP.HCM tổ chức, đại diện Công an TP.HCM đã đưa ra đề xuất: Nam thanh niên từ 18 đến 25 tuổi khi đi khỏi nơi cư trú quá 15 ngày phải khai báo với địa phương.
Theo đại diện Công an TP.HCM, mục tiêu của đề xuất này là nhằm hạn chế tình trạng né tránh thực hiện NVQS bằng cách cố tình đi khỏi địa phương trong thời gian gọi khám sức khỏe, nhập ngũ và trong thời gian huấn luyện quân nhân dự bị.
Hình ảnh trong lễ giao quân đợt 2 năm 2015 của Hội đồng NVQS TP.HCM.
Vi phạm Luật Cư trú
Trao đổi về đề xuất này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM, nói: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, đề xuất thanh niên từ 18 - 25 tuổi đi khỏi địa phương quá 15 ngày phải khai báo là chưa phù hợp với Luật Cư trú hiện nay. Bởi lẽ, theo quy định tại điều 3 của Luật Cư trú 2006, công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Theo luật sư Thảo, công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM.
“Người trong độ tuổi thực hiện NVQS, dự bị động viên khi đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên, có trách nhiệm khai báo tạm vắng”, luật sư Thảo dẫn thông tin từ khoản 2 điều 32 Luật Cư trú.
“Như vậy, thứ nhất, đề xuất này sẽ hạn chế quyền tự do đi lại, tự do cư trú của công dân trong độ tuổi trên. Thứ hai là trái với quy định của Luật Cư trú. Nếu cho rằng quy định như thế nhằm đảm bảo việc thực hiện NVQS của công dân khi đến tuổi, thì hiện nay chúng ta cũng đã có các quy định pháp luật để thực hiện chế tài đối với hành vi né tránh NVQS.
Trong đó, nhẹ thì xử phạt hành chính theo điều 6 và 7 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 259 Bộ luật Hình sự với tội danh trốn tránh NVQS”, luật sư Thảo giải thích.
Muốn thực hiện đề xuất, phải sửa luật
Đồng quan điểm với luật sư Thảo, tiến sỹ luật Nguyễn Anh Tuấn - Công ty luật LNT & Partners cho biết, nếu muốn thực hiện đề xuất trên thì phải đề xuất sửa luật trước. Ngoài ra, việc quản lý chặt như vậy cũng trái với tinh thần của Hiến pháp.
Tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn: "Muốn thực hiện đề xuất nam thanh niên từ 18 đến 25 tuổi khi đi khỏi nơi cư trú quá 15 ngày phải khai báo với địa phương, phải đề xuất sửa luật trước"
“Điều 23 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Còn theo điều 59 Luật NVQS, tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, TS Tuấn dẫn thông tin luật.
Theo TS Tuấn, thay vì quản lý thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ như đề xuất của đại diện Công an TP.HCM, thì nên tuyên truyền kết hợp với giải thích cho công dân hiểu các lợi ích của việc thực hiện NVQS. “Việc học tập Hàn Quốc hay Singapore như nhiều người chia sẻ cũng chưa hợp lý vì Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh; Singapore có dân số ít, còn nước ta đang trong thời bình”, ông Tuấn nói.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết, theo quy định của điều 29 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật NVQS 2005, những công dân sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình: - Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ. - Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. - Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ. - Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này. - Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận. - Đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định. - Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu. Như vậy, theo quy định, ngoài những trường hợp được tạm hoãn như trên thì tất cả các trường hợp khác đều phải chấp hành luật NVQS. Kể cả các thanh niên vừa tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn còn trong độ tuổi NVQS thì cũng phải lên đường nhập ngũ. |