Bụi mịn từ “mù khô” ở TP.HCM có thể gây ung thư

Bụi mịn PM2.5 trong mù khô ở TP.HCM những ngày qua chứa các chất vô cơ và hữu cơ độc hại, có thể gây ung thư.

Từ sáng sớm ngày 5.10 tại TP.HCM, bầu trời bị bao phủ bởi một lớp mù, tầm nhìn giảm xuống rõ rệt. Ghi nhận của PV tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, lớp mù che mờ các tòa nhà cao tầng, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển trên đường.

Hiện tượng kỳ lạ này vẫn tiếp tục xảy ra vào các ngày 6 và 7.10. Đặc biệt trong ngày 6.10, sau khi xuất hiện từ sáng, lớp mù đã tạm tan đi vào trưa cùng ngày. Tuy nhiên, từ khoảng 15h, mù khô lại tiếp tục xuất hiện. Mặc dù đêm 6.10 đã có một trận mưa kéo dài nhưng sáng 7.10, hiện tượng mù vẫn xảy ra.

Bụi mịn từ “mù khô” ở TP.HCM có thể gây ung thư - 1

Mù khô che mờ các tòa nhà cao tầng ở TP.HCM. Ảnh chụp lúc 16h ngày 6.10.

Theo tiến sĩ Tô Thị Hiền, Trưởng khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, hiện tượng mù trong những ngày qua là do cháy rừng ở Indonesia tạo ra bụi. Bụi cùng với hơi nước tạo ra mù trong không khí. Ngoài ra, hiện tượng này còn liên quan tới gió mùa Tây Nam hoạt động ở khu vực Đông Nam Bộ.

“Một trong những bằng chứng khoa học là số liệu đo được từ trạm quan trắc chất lượng không khí của khoa Môi trường tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Theo đó, hàm lượng bụi mịn PM2.5 đã tăng từ đêm 4.10 đến tận ngày hôm nay (7.10 - PV). Hôm nay chưa có số liệu cụ thể nhưng hàm lượng bụi hôm qua đã tăng lên 120µg/m3”, tiến sĩ Hiền nói.

Tiến sĩ Hiền cho biết thêm, thông thường hàm lượng bụi vào khoảng 6h sáng rất thấp, như ngày 3.10 là khoảng 20µg/m3. Như vậy, hàm lượng bụi PM2.5 đã tăng lên 6 lần trong ngày 6.10. Bên cạnh đó, hàm lượng bụi PM2.5 cũng được ghi nhận tăng lên ở các nước khác trong khu vực, như Thái Lan.

Về hình ảnh mờ ảo gây ra bởi hiện tượng mù, tiến sĩ Hiền giải thích: “Ozone hình thành từ phản quang hóa. Khi có lớp mù do bụi này thì bức xạ ánh sáng giảm, do đó phản quang hóa giảm và ozone giảm theo, còn các thông số khác không thay đổi”.

Theo tiến sĩ Hiền, bụi thường sẽ theo hướng gió và giảm dần theo thời gian. Bụi sẽ đạt đến đỉnh điểm rồi giảm đi, tuy nhiên, mù khô lần này còn tồn tại bao lâu là phụ thuộc hoàn toàn vào hướng gió trong những ngày tới.

Cũng theo tiến sĩ Hiền, bụi PM2.5 là bụi mịn, rất dễ đi vào phổi. Nếu hít bụi này vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe bởi vì trong đó chứa những chất ô nhiễm. Ngoài những chất vô cơ, trong bụi PM2.5 còn có những chất hữu cơ độc hại gây ung thư.

Trao đổi với PV chiều 7.10, ông Đặng Văn Dũng - Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, dữ liệu ở các trạm quan trắc khí tượng trên biển và đất liền cho thấy, hiện tượng mù khô xuất hiện đầu tiên vào ngày 4.10 ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi lan sang các đảo khác như Thổ Chu (Kiên Giang)…

Đến ngày 5.10, mù khô bắt đầu xuất hiện rõ rệt ở đất liền, cụ thể là Cà Mau, Cần Thơ, Cao Lãnh và TP.HCM.

PM2.5 là vật chất dạng hạt bụi siêu nhỏ, có đường kính 2,5 micron. Loại hạt bụi này có thể xâm nhập vào hệ hô hấp và gây ra một loạt bệnh, bao gồm cả bệnh tim mạch. Hạt PM2.5 có thể mang theo Sulfur Dioxide, thậm chí cả vi rút gây bệnh vào trong phế nang, rồi nằm trong tế bào thực quản mãi mãi.

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Environmental Health Perspectives do AsiaOne dẫn lại, các nhà khoa học thuộc khoa Y tế Công cộng - Trường Đại học Phục Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) đã chứng minh mối tương quan giữa ô nhiễm bụi PM2.5 và tỷ lệ mắc một số bệnh ở người dân trong từng khu vực cụ thể.

Theo tờ People chuyên về sức khỏe toàn cầu, bụi PM2.5 xâm nhập vào mô phổi sẽ gây ảnh hưởng lớn cho chức năng thực bào của tế bào phế nang, đồng thời ảnh hưởng đến sự lưu động và độ thấm của màng tế bào thượng bì phổi, có thể khiến các tế bào bị chết đi.

Ngoài ra, PM2.5 còn làm cho thành phần sinh hóa của mô phổi thay đổi và gây viêm nhiễm. Viêm nặng và lâu dài sẽ làm cho mô tăng sinh, xơ hóa, gây ra bệnh phổi và ung thư phổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN