Bức xúc "lót tay" để vào cơ quan nhà nước
Báo cáo PAPI 2018 được Trung tâm Nghiên cứu phát triển và cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố sáng 2/4 cho thấy, hiện tượng “vị thân”, “lo lót” để được vào làm việc trong khu vực công vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong công chúng. Các chuyên gia cũng cảnh báo, bộ máy nhà nước sẽ bị méo mó bởi những người giỏi, có năng lực thực sự bị những người “chạy” chiếm chỗ làm việc.
Biểu đồ tầm quan trọng của “thân quen” khi thi tuyển vào khu vực công
Bộ máy méo mó bởi “lót tay”
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), báo cáo PAPI 2018 phản ánh trải nghiệm và ý kiến của hơn 14 nghìn người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Báo cáo cũng tóm lược ý kiến của hơn 110 nghìn lượt người dân đã tham gia trả lời khảo sát PAPI từ năm 2009- 2018.
Về tầm quan trọng của hiện tượng “thân quen” khi thi tuyển vào khu vực công, kết quả PAPI 2018 cho thấy, chỉ số công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công tăng điểm so với các năm trước. Tuy nhiên số điểm đạt được vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 1,11 điểm.
“Điều này cho thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng. Hiện tượng “vị thân” là mối quan tâm lớn đối với người dân. Quen biết ai đó có ảnh hưởng trong chính quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người muốn xin vào làm trong khu vực công, ngay từ vị trí thấp nhất trong hệ thống công vụ cấp xã, phường”, báo cáo nêu rõ.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng
“Kết quả khảo sát PAPI cho thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng. Đây là vấn đề nhức nhối, bộ máy nhà nước sẽ bị méo mó bởi đội ngũ công chức được vào làm việc bằng con đường lót tay, thân quen thay cho những người giỏi, có năng lực thực sự”. TS Đặng Hoàng Giang |
Cụ thể, kết quả khảo sát trong từng lĩnh vực cho thấy, có đến trên 71% số người được hỏi cho rằng “thân quen có vị trí “rất quan trọng” khi xin vào làm công chức địa chính”; tỷ lệ này đối với lĩnh công chức tư pháp là 69,45%, công an xã, phường là 64,73%; giáo viên công tiểu học công lập có tỷ lệ là 65% và nhân viên văn phòng xã, phường là 63%. Đối với việc tuyển dụng ở địa phương, kết quả khảo sát cho thấy, Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng… là những nơi được chấm điểm thấp nhất về chỉ số công bằng trong tuyển dụng.
“Kết quả khảo sát PAPI cho thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng. Đây là vấn đề nhức nhối, bộ máy nhà nước sẽ bị méo mó bởi đội ngũ công chức được vào làm việc bằng con đường lót tay, thân quen thay cho những người giỏi, có năng lực thực sự”, TS Đặng Hoàng Giang cảnh báo. Từ những phân tích trên, các chuyên gia kiến nghị các cấp chính quyền cần tập trung giải quyết để giảm thiểu tham nhũng, nhất là hiện tượng “vị thân”, “lót tay” để được vào làm công chức. Báo cáo cũng kiến nghị các tỉnh phía Bắc cũng cần học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh phía Nam ở lĩnh vực này.
Cấp trên tham nhũng nhiều hơn cấp dưới?
Một điểm sáng được báo cáo PAPI chỉ ra là những xu hướng tích cực về chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Theo đó, tỷ lệ phải đưa “lót tay”, “bồi dưỡng” hoặc “chung chi” khi sử dụng dịch vụ y tế, khi sử dụng dịch vụ giáo dục tiểu học, khi xin cấp phép xây dựng… đều có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, báo cáo PAPI cũng nhận xét cảm quan rằng: “Rất có thể cảm nhận tích cực này một phần là do tác động của truyền thông đại chúng khi đưa tin về những nỗ lực chống tham nhũng ở cấp trung ương từ năm 2017 đến nay, chứ chưa hẳn do hiệu quả kiểm soát hành vi tham nhũng vặt trong hoạt động công vụ của chính quyền địa phương hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ công”.
Điều đáng lưu ý được báo cáo PAPI 2018 chỉ ra là việc người dân đánh giá tham nhũng ít phổ biến ở cấp xã, phường hơn ở các cấp chính quyền cao hơn. Mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau.
Cụ thể, gần 60% số người trả lời rằng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ có hơn 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. Người dân cảm nhận tham nhũng ở cấp trung ương gia tăng so với ba năm trước. Tuy nhiên người dân cũng đánh giá cấp trung ương xử lý tham nhũng nghiêm túc hơn các cấp cơ sở trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng.
Như vậy có thể nói nỗ lực chống tham nhũng ở cấp xã, phường được đánh giá cao hơn so với nỗ lực ở cấp tỉnh và cấp quốc gia. Người dân cảm nhận được sự cải thiện trong chống tham nhũng vặt - những hành vi nhũng nhiễu mà họ trải nghiệm hoặc chứng kiến trực tiếp.
Thừa nhận có nhiều người thân giữ các chức vụ ở địa phương nhưng ông Ngọc phủ nhận "can thiệp" trong tuyển...