“Bữa tiệc” mưa sao băng lớn nhất năm sắp diễn ra

Sự kiện: Tin nóng

Những người yêu thiên văn học Việt Nam sắp được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lớn nhất năm 2018.

“Bữa tiệc” mưa sao băng lớn nhất năm sắp diễn ra - 1


Mưa sao băng Geminids là trận mưa sao băng lớn nhất năm với khoảng 120 vệt mỗi giờ. Ảnh VACA.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, trong tháng 12 này, những người yêu thiên văn học sẽ được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng Geminids, đây là trận mưa sao băng lớn nhất năm.

“Thời điểm diễn ra mưa sao băng Geminids là từ 7-17/12 hằng năm. Năm nay, mưa sao băng sẽ đạt cực đỉnh vào khoảng đêm 13 rạng sáng 14/12, với tần suất 100-120 vệt mỗi giờ”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cho biết thêm, cũng như năm 2017, năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng mặt trăng không xuất hiện nên việc quan sát Geminids sẽ dễ dàng hơn.

Theo ông Sơn, để quan sát mưa sao băng Geminids, người xem cần hướng mắt về chòm sao Gemini. Chòm sao này mọc từ khoảng 20h ở hướng Đông và lên rất cao vào giữa đêm trước khi chuyển dần về phía Tây. Điều đó có nghĩa là mưa sao băng có thể quan sát được trong cả đêm nhưng lý tưởng nhất vẫn là sau nửa đêm (sau khoảng 1h sáng hôm sau).

Người xem không cần dùng bất cứ công cụ hỗ trợ nào mà chỉ cần dùng mắt thường. Nên chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo.

Ban đầu, người xem cần khoảng 10 phút để mắt quen với bóng tối và chờ đợi mưa sao băng xuất hiện. Tư thế quan sát tốt nhất là ngả lưng để ánh mắt luôn hướng lên trên trời.

Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ vật thể 3.200 Phaethon - một tiểu hành tinh vành đai chính có quỹ đạo bất thường bay gần Mặt Trời hơn các tiểu hành tinh đã được đặt tên khác.

Giới khoa học cho rằng, vật thể này chính là phần nhân của một sao chổi nào đó còn sót lại sau những cuộc hành trình và bị gió mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài.

Mưa sao băng lớn nhất năm 2018 sắp bay qua bầu trời Việt Nam

Những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lớn và đẹp nhất năm mang tên Perseids.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN