BT Vũ Đức Đam: Không thể để sữa bị "làm giá"

“Không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị 'làm giá'. Thái độ của Chính phủ rất nghiêm túc”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 29/9.

Đặt vấn đề với Bộ trưởng Vũ Đức Đam, PV cho rằng, trong vài tháng trở lại đây, thị trường Việt Nam không còn sản phẩm gọi là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Thay vào đó là thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ sung với giá tăng cao (từ 1-6 lần).

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng LHQ có khuyến nghị, nếu khái niệm này không phân định rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ em Việt Nam.

BT Vũ Đức Đam: Không thể để sữa bị "làm giá" - 1

Trả lời câu hỏi về việc xử lý vấn đề này của hai bộ Tài chính và Y tế này như thế nào?, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Sáng ngày 29/9, ông đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá.

Luật giá có quy định sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Các Thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống, tức là còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi (3 tuổi) đến 6 tuổi.

Lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống.

“Dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị 'làm giá'. Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc", Bộ trưởng Đam khẳng định.

Bộ trưởng Đam nói rằng, ông trực tiếp hỏi Bộ trưởng Y tế, đến ngày 5/10, gấp như vậy có làm được không, Bộ trưởng Y tế nói làm được.

Bộ trưởng nhắc lại câu hỏi của PV có dẫn ra ở Trung Quốc, Chính phủ có thanh tra và yêu cầu một số công ty sữa ngoại nộp phạt lên tới 10 triệu USD. 

“Ở Việt Nam, phạt bao nhiêu, như thế nào thì theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng thái độ là chúng ta nghiêm túc”, Bộ trưởng Đam nói.

Bộ trưởng cho biết thêm, trước đây thường nói đến chuyện lãi thật, lỗ giả để trốn thuế,  hôm nay nói đến doanh nghiệp (tạm dùng từ lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kẽ hở của sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước) để “làm giá”, trục lợi.

“Chúng ta phải kêu gọi tất cả, kêu gọi các doanh nghiệp, sống trong một thời đại xây dựng xã hội dân giàu- nước mạnh- dân chủ- công bằng- văn minh hãy làm giàu một cách văn minh và chúng ta làm việc gì cũng phải có tấm lòng trong đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời, phát sóng trên VTV1, tối 29/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết:

Theo quy định của Luật giá có hiệu lực từ 1/1/2013, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước bình ổn giá. Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường.

Tuy nhiên, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành thì thời gian vừa qua, một số sản phẩm dinh dưỡng và thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 6 tuổi không đạt tiêu chuẩn độ đạm để gọi là sữa nữa.

Để khắc phục, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Y tế hai việc: Thứ nhất, Bộ Y tế ban hành ngay danh mục sữa và các chế phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của luật giá. Từ đó, Bộ Tài chính sẽ điều hành, quản lý giá sữa theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành thông tư quy định mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng phải khẳng định là mặt hàng sữa vẫn phải quản lý theo cơ chế thị trường, nghĩa là theo giá thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước chỉ can thiệp khi có yếu tố độc quyền hoặc vi phạm luật cạnh tranh và chỉ thực hiện bình ổn giá theo quy định của luật giá”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN