BT Tiến trực tiếp chỉ đạo ngăn chặn virut Zika ở VN
Liên quan tới 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan vào chiều 5.4 tại TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang thực địa Q.2 - nơi có một trường hợp dương tính với virus Zika.
Sáng 5.4, Bộ Y tế đã chính thức công bố , cụ thể là 2 trường hợp dương tính với virus Zika ở Nha Trang và TP.HCM. Ngay trong trưa cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đáp chuyến bay vào TP.HCM để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của loại virus này.
14h chiều 5.4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND TP.HCM. Tại cuộc họp này, bà Tiến cho biết: Hiện, 61 nước trên thế giới có dịch Zika. Bộ Y tế sẽ dồn sức phòng chống, người dân không nên quá lo lắng.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù virus Zika và sốt xuất huyết đều lây truyền qua muỗi vằn, nhưng sốt xuất huyết nguy hiểm hơn nhiều so với virus Zika. Thông thường, bệnh nhân nhiễm virus Zika ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.
Bà Tiến chỉ đạo, trong thời gian tới, đặc biệt là mùa mưa, các bệnh viện cần tăng cường giám sát triệu chứng bệnh của các bệnh nhân. Bên cạnh đó, các địa phương cần phun, pha hóa chất diệt muỗi đúng kỹ thuật và xem xét mức độ kháng muỗi.
Bộ trưởng Tiến trong buổi họp báo khẩn vào chiều 5.4, tại TP.HCM.
Tham dự buổi họp còn có ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCMcùng đại diện Q.2 (địa bàn có bệnh nhân dương tính với virus Zika), Q.1, Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thaovà một số bệnh viện trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay thành phố chưa công bố dịch. Sở Y tế vẫn đang theo dõi kỹ bệnh nhân trong vòng 10 ngày tiếp theo sau khi phát hiện dương tính với virus Zika. Theo ông Bỉnh, Zika là dịch bệnh loại B nên các địa phương sẽ chủ động công bố dịch tùy theo tình hình thực tế.
Thông tin từ cơ quan chức năng tại buổi họp cho biết thêm, 2 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà, sức khỏe ổn định. Bộ Y tế đang mở rộng giám sát điều tra những người có tiếp xúc, người xung quanh, nơi sinh sống và nơi họ làm việc.
Với trường hợp của nữ bệnh nhân 33 tuổi ở TP.HCM, tòa nhà PetroVietnam Tower (nơi chị làm việc), các tuyến đường xung quanh và đặc biệt là khu Thảo cầm viên Sài Gòn sẽ được phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phun thuốc ở nơi sinh sống của bệnh nhân. Công tác phòng chống virus Zika cũng đang được thực hiện khẩn trương ở Nha Trang - nơi có nữ bệnh nhân 64 tuổi dương tính với virus Zika.
Trước tình hình virus Zika như hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nhằm thực hiện quyết liệt các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng.Theo kế hoạch, Sở Y tế TP.HCMsẽ giám sát các ca bệnh có dấu hiệu khả nghi ngay từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, bằng cách đo thân nhiệt từ xa.
Sở Y tế TP.HCM còn thực hiện giám sát các ca bệnh trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm báo cáo cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ngay khi phát hiện ca nghi ngờ nhiễm virus Zika để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo, tại các bệnh viện, cần phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, có yếu tố dịch tễ trở về từ vùng dịch bệnh đểlấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP.HCM (Q.1) xét nghiệm. Đồng thời, phải cách ly và điều trị cho bệnh nhân theo phân tuyến, chú ý diệt muỗi và lăng quăng trong khu vực bệnh viện.
Các cơ sở y tế khi ghi nhận các trường hợp dị tật đầu nhỏ thông qua chẩn đoán tiền sản và qua thăm khám sơ sinh, cần báo cáo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.Sở Y tế TP.HCM còn đề nghị các trung tâm y tế dự phòng và các phòng y tế quận, huyện phối hợp chặt chẽ cùng trạm y tế phường, xã tham mưu cho các cấp chính quyền vận động, nhắc nhở người dân duy trì diệt muỗi, lăng quăng để kiểm soát chặt loài vật trung gian truyền bệnh này.